|
Bạc Liêu là vùng đất giàu tiềm năng và lợi thế về phát triển thủy sản với 124 ngàn ha nuôi trồng thủy sản, vùng đặc quyền kinh biển rộng 20.741 km2và có 1.254 tàu cá thường xuyên khai thác trên biển; sản lượng thủy sản đạt 284 ngàn tấn/năm, đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu thủy sản của tỉnh.
Những năm gần đây, tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới và khu vực có nhiều diễn biến rất phức tạp, khó lường; tình hình kinh tế trong nước, trong tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức; tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp khó lường, nhưng với sự quyết tâm chính trị, sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và sự nhạy bén nắm bắt thị trường của doanh nghiệp, xuất khẩu thủy sản của tỉnh vẫn tiếp tục đà tăng trưởng. Sản lượng thủy sản chế biến đạt 56.120 tấn (trong đó tôm đông lạnh 53.620 tấn), sản lượng thủy sản xuất khẩu 40.500 tấn (trong đó tôm đông lạnh 38.000 tấn), kim ngạch xuất khẩu thủy sản 410 triệu USD (chiếm 95,17% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh); thị trường xuất khẩu truyền thống (Nhật, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Argentina) và các thị trường mới (Hồng Kông, Trung Đông; Đông Âu, Asean,...).
Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, xuất khẩu thủy sản cũng đang đặt ra nhiều vấn đề thách thức cần được quan tâm giải quyết trong thời gian tới, đó là:
Các doanh nghiệp mang tính mũi nhọn, có khả năng vươn ra chiếm lĩnh thị trường khu vực và thế giới chưa nhiều; chưa chú trọng đúng mức việc nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Cơ cấu hàng xuất khẩu nông sản còn nghèo nàn, chủ yếu vẫn là tôm đông lạnh, chưa khai thác tốt các nguồn nguyên liệu sẵn có như: Cá, mực, nhuyễn thể, cua, ghẹ... để đa dạng các mặt hàng chế biến xuất khẩu, phòng ngừa biến động về giá, thị trường và nuôi tôm gặp rủi ro.
Với nhiều rào cản (về vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật, các hóa chất và kháng sinh cấm...) được dựng lên ở các nước nhập khẩu để bảo vệ hàng hóa trong nước của họ;cùng với các rủi ro về tranh chấp thương mại (bán phá giá); do chưa chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào, nên các doanh nghiệp thường gặp rủi ro liên quan tới đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu; việc mở cửa thị trường trong nước chưa được tiến hành song song với việc thiết lập “hàng rào kỹ thuật” để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước có hiệu quả.
Việc triển khai thực hiện Chương trình hệ thống quản lý chất lượng GMP, SSOP, HACCP cho các cơ sở thu mua, chế biến thủy sản còn bất cập. Do công tác kiểm tra ngăn chặn tạp chất chưa thường xuyên, nên các doanh nghiệp chưa quyết tâm “nói không với tạp chất”; việc bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn còn xảy ra ở một vài nơi với thủ đoạn ngày càng tinh vi, nên rất khó phát hiện.
Việc thực hiện các mô hình liên kết ngang, dọc trong chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ thủy sản còn nhiều bất cập: Trong liên kết dọc vấn đề bảo hiểm trong sản xuất còn bỏ ngỏ, chưa kiểm soát được các yếu tố đầu vào, đầu ra; chưa quan tâm đến xây dựng thương hiệu sản phẩm; chưa chú trọng đến việc bảo vệ môi trường, mối quan hệ giữa người sản xuất và doanh nghiệp còn lỏng lẻo... Trong liên kết ngang thì ý thức cộng đồng còn hạn chế, chưa phù hợp với xu thế phát triển của nghề nuôi trồng, đánh bắt hải sản của tỉnh; các hình thức tổ chức sản xuất trong nuôi trồng, khai thác hải sản chậm đổi mới; hoạt động kém hiệu quả. Việc thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện đối với nuôi trồng thủy sản.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu và chưa đồng bộ, chất lượng thấp, năng lực phòng chống, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng còn nhiều bất cập.
Năm 2015, là năm có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, quyết định việc hoàn thành các mục tiêu trong kế hoạch 5 năm (2011-2015) của tỉnh Bạc Liêu, kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt 447,5 triệu USD. Để thực hiện hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu về xuất khẩu thủy sản, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cụ thể sau đây:
- Giữ vững và phát triển thị trường xuất khẩu thủy sản: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến thương mại và các hoạt động đối ngoại; giữ vững thị trường truyền thống và phát triển mạnh xuất khẩu thủy sản sang các khu vực thị trường có mức tăng trưởng tiêu dùng ngày càng cao và ưa thích thủy sản Việt Nam như: Thụy Điển, Bungaria, Romania, Hungaria, Bỉ, Anh, thị trường Bắc Mỹ, Nam Mỹ và các thị trường tiềm năng khác như: Hồng Kông (Trung Quốc), ASEAN, Châu Phi, đặc biệt là thị trường Trung Đông, thị trường các nước Hồi giáo. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia thực hiện các phương án hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững mối quan hệ với các đối tác đã được thiết lập, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thủy sản.
- Đổi mới hoạt động xuất khẩu và xúc tiến thương mại: Từng bước phát triển hình thức xuất khẩu trực tiếp cho các hệ thống phân phối, trung tâm thương mại lớn, siêu thị, thay thế việc xuất khẩu qua trung gian (nhà nhập khẩu) nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu thủy sản. Tăng cường quảng bá, thông tin chính xác, đầy đủ về sản phẩm thủy sản của tỉnh đến thị trường xuất khẩu và người tiêu dùng; đồng thời cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường, chính sách, pháp luật của nước nhập khẩu cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Xây dựng và thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại phù hợp. Xây dựng mô hình khép kín từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến và xuất khẩu thủy sản giữa các doanh nghiệp với nông, ngư dân nuôi trồng, khai thác thủy sản; đồng thời chú trọng việc xây dựng thương hiệu, khai thác và quảng bá thương hiệu, thực hiện tốt các quy định về ghi nhãn hàng hóa và bảo vệ bản quyền; tăng cường phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ, nhất là đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản.
- Phát triển nguồn nguyên liệu ổn định và đảm bảo chất lượng: Tiếp tục phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản, nhất là các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, nhuyễn thể) trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác quản lý, giám sát và quy hoạch vùng nuôi sao cho phù hợp với điều kiện tự nhiên và đặc điểm phát triển thủy sản của từng khu vực, từng tiểu vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh; có chương trình giám sát vùng nuôi và môi trường nuôi chặt chẽ; tăng cường công tác thông tin dự báo để ngăn chặn và khắc phục kịp thời những sự cố gây bất lợi cho các vùng nuôi. Xây dựng và hình thành cho được đội tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn, được đầu tư trang thiết bị hiện đại, để có thể khai thác dài ngày trên biển và nâng cao hiệu quả khai thác, đánh bắt hải sản trên các vùng biển xa, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Tổng sản lượng thủy hải sản năm 2015 phấn đấu đạt 290.000 tấn (trong đó sản lượng tôm 118.500 tấn, cá và thủy sản khác 171.500 tấn).
- Tập trung đầu tư phát triển chế biến, xuất khẩu theo chiều sâu: Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, cải tạo nâng cấp và mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thêm các kho chứa hàng để đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Phát triển các sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm có giá trị gia tăng, giảm tỷ trọng hàng sơ chế, hàng có giá trị gia tăng thấp, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng và nhu cầu của từng thị trường nhập khẩu.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm: Áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bắt buộc đối với cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến thủy sản; khuyến khích việc áp dụng các quy chuẩn quốc tế có liên quan. Thường xuyên tổ chức triển khai kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến xuất khẩu; xử lý nghiêm và thực hiện việc công bố các hành vi vi phạm các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, cạnh tranh không lành mạnh, phá giá thị trường,…, nhất là đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh chế biến, xuất khẩu thủy sản, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm thủy sản của tỉnh và làm thiệt hại lợi ích chung của cộng đồng.
- Tăng cường công tác quản lý và đào tạo cán bộ: Củng cố, kiện toàn hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm từ tỉnh đến cơ sở; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm; tiếp tục thực hiện phân công, phân cấp giữa tỉnh, huyện, thành phố và cơ sở để thực hiện có hiệu quả Luật An toàn thực phẩm. Phát triển các mô hình dịch vụ công, xã hội hóa các hoạt động tư vấn, đào tạo, kiểm nghiệm và chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy cho các tổ chức cộng đồng trong việc thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước và quốc tế. Đa dạng hóa hình thức đào tạo cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu, quản lý, cán bộ kỹ thuật và marketing của các doanh nghiệp nhằm từng bước nâng cao trình độ hiểu biết, giỏi về nghiệp vụ, am hiểu về luật pháp, chính sách thương mại của quốc tế.
- Về cơ chế chính sách: Tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách của Nhà nước đã ban hành về đầu tư, tín dụng khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến… Đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển xuất khẩu thủy sản theo thẩm quyền như: Hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến thương mại, Quỹ phát triển thị trường xuất khẩu thủy sản trên cơ sở tự nguyện tham gia của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, với sự hướng dẫn, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo vccinews
|