|
Nhiều doanh nghiệp trông chờ vào sự thành công của thỏa thuận TPP và Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU vào cuối năm nay. Thế nhưng, khi hỏi hiện nay doanh nghiệp biết gì về các cam kết trong hiệp định, hầu hết câu trả lời là “sẽ được lợi”, nhưng lợi thế nào thì ít ai biết được.
Cơ hội đã rõ, rủi ro tiềm ẩn!
Nhìn qua lịch sử hợp tác kinh tế của Việt Nam với Mỹ trong 20 năm qua liên tục phát triển, cho thấy Hiệp định đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết sẽ ảnh hưởng lớn mạnh đến sự phát triển của Việt Nam. Nếu tham gia TPP, Việt Nam không chỉ là đối tác kinh tế của Mỹ mà còn là đối tác của 10 quốc gia còn lại và đặc biệt TPP mang lại cơ hội lớn cho ngành dệt may vì thuế suất giảm. Nếu tính thuế hàng dệt may vào Mỹ hiện nay là 17,3% thì với thị phần hàng Việt Nam chiếm 10% tại Mỹ, lợi ích từ thuế cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Việt Nam là rất lớn, điều đó sẽ góp phần làm hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thế giới. Do vậy, với kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam hiện nay là 2,9 tỷ USD thì các chuyên gia dự báo sau khi gia nhập TPP sẽ tăng lên 35,7 tỷ USD tới năm 2025.
Đặc điểm của TPP là không có sự tham gia của Trung Quốc. Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, đúc kết Việt Nam sẽ có 3 lợi ích lớn khi tham gia TPP, đó là: Đẩy mạnh xuất khẩu nhờ dỡ bỏ hàng rào thuế quan, mở khóa các thị trường mới, thúc đẩy đầu tư, khuyến khích đổi mới và tạo ra việc làm với mức thu nhập cao; hiệp định tạo ra sân chơi bình đẳng giữa các DN nhà nước và tư nhân, đây là cơ hội tốt để các DN cạnh tranh bình đẳng với nhau và với các DN nước ngoài; giúp Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc thông qua thặng dư thương mại với các thành viên TPP, đặc biệt là Mỹ.
Tuy nhiên, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty Tư vấn Kinh doanh hội nhập toàn cầu GIBC, lại cho rằng: TPP cấm sử dụng các chính sách thương mại để bảo vệ ngành công nghiệp nội địa. Như vậy, các ngành công nghiệp sản xuất non trẻ tại các nước đang phát triển sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ các công ty nước ngoài có vốn lớn, có kinh nghiệm, có sức cạnh tranh tốt hơn. Những nước phát triển họ đã bảo trợ xong để DN họ lớn mạnh, giờ đủ sức tham gia cuộc chơi với thế chủ động. Trong khi, những nền kinh tế nhỏ như Việt Nam, phần lớn là DN vừa và nhỏ thì sức cạnh tranh yếu, nhưng nhà nước không được quyền hỗ trợ, nếu hỗ trợ là vi phạm luật chơi, sẽ phải đối đầu với các vụ kiện.
Ông Trai phân tích, ngành chăn nuôi sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn vì sản phẩm chăn nuôi của các nước tham gia TPP được sản xuất theo quy trình công nghiệp, chi phí thấp, giá thành rẻ. Còn ở Việt Nam, chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ, thiếu tính cạnh tranh. Khi giảm thuế xuất nhập khẩu thì hàng các nước với giá rẻ sẽ tràn vào Việt Nam. Hơn nữa, một nguy cơ sẽ xảy ra là hàng kém chất lượng sẽ tràn ngập thị trường nếu Việt Nam không kịp thời xây dựng rào cản kỹ thuật, các biện pháp vệ sinh dịch tễ không hiệu quả. Do vậy, “để bảo vệ sản xuất nông nghiệp trong nước, Việt Nam phải nhanh chóng xây dựng hàng rào phi thuế quan, các DN cần hợp sức để tạo sức mạnh tổng hợp”, ông Trai nói.
Đó là lý do các chuyên gia thường nói, ngay trong cơ hội cũng là thách thức. Cụ thể, TPP mở ra cơ hội cho các nước thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nếu Việt Nam không nhanh chóng cải cách thể chế, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng chỉ số cạnh tranh thì khó có thể cạnh tranh nổi với các quốc gia lân cận như Singapore, Malaysia, Brunei…
Phải nâng chất
Theo cam kết FTA Việt Nam - EU, đến 99% dòng thuế xuất nhập khẩu sẽ được xóa cho thương mại hàng hóa hai bên được tự do. Trước mắt, ngay khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ giảm 65% dòng thuế nhập khẩu cho hàng hóa EU. Ngược lại, EU sẽ xóa bỏ ngay 71% dòng thuế nhập khẩu cho hàng Việt Nam. Ông Franz Jessen, Đại sứ trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, cho biết, lộ trình giảm dần các loại thuế của phía EU là 7 năm.
Điểm cần chú ý trong hiệp định là các mặt hàng Việt Nam được miễn giảm thuế nhưng sẽ phải áp hạn ngạch khi xuất khẩu vào thị trường EU (gạo, thịt gà, bò, thịt heo, thủy sản…). Các nhóm hàng dệt may, giày dép không phải chịu hạn ngạch thì bị áp dụng lộ trình giảm dần thuế về 0% sau 7 năm. “Điều quan trọng là phải tuân thủ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa”, ông Jean Jacques Bouflet, Tham tán công sứ, Trưởng ban Kinh tế và Thương mại của Phái đoàn EU, nhấn mạnh. Có nghĩa là, các mặt hàng dệt may của Việt Nam muốn được hưởng ưu đãi thuế quan thì hàng hóa đó không chỉ phải được sản xuất tại Việt Nam (tiêu chuẩn xuất xứ đơn) mà ngay cả vải vóc nguyên liệu cũng phải có nguồn gốc, xuất xứ Việt Nam (tiêu chuẩn xuất xứ kép). Tuy nhiên, EU sẽ cho phép quy chế “cộng dồn nguồn gốc xuất xứ”. Tức là những nguyên liệu, hàng hóa có nguồn gốc từ các nước đối tác của EU cũng được coi là có nguồn gốc xuất xứ hợp pháp.
Một điểm khó nữa mà các chuyên gia cảnh báo là EU sẽ sử dụng hàng rào kỹ thuật phi thuế quan rất gắt gao. Đây sẽ là áp lực lớn cho các DN Việt Nam. Điều đó buộc DN Việt Nam phải cải tiến để đáp ứng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, nếu nhìn lạc quan, một khi DN Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn của đối tác khó tính này thì sẽ dễ dàng xâm nhập vào bất kỳ thị trường nào trên thế giới. Khi đó Việt Nam sẽ nâng tầm chất lượng, thương hiệu hàng hóa, để xuất khẩu những mặt hàng có giá trị cao hơn và thu về lợi nhuận cao hơn.
TPP là thỏa thuận thương mại tự do giữa Hoa Kỳ và 11 đối tác xung quanh khu vực Thái Bình Dương, bao gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. TPP được xem là một hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới với tỷ trọng GDP của các nước tham gia chiếm 40% GDP toàn cầu. Dự kiến, TPP sẽ kết thúc đàm phán và thông qua vào cuối năm nay. |
Theo Báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
|