|
Việc phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) đã giúp các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn nguyên liệu rẻ hơn, cạnh tranh hơn. Điều này sẽ đẩy mạnh xuất khẩu cho nhiều mặt hàng như dệt may, da giày.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu hưởng lợi
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết, thời gian vừa qua, sau khi Trung Quốc thực hiện phá giá đồng nhân dân tệ, nhiều nước khác trên thế giới cũng giảm giá đồng tiền, khiến một số nước xuất khẩu chịu ảnh hưởng.
Tại thị trường trong nước, ông Hải cho biết, dệt may và da giày đang là ngành có lợi thế rất lớn trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, khi Việt Nam gia nhập hàng loạt các hiệp định kinh tế. Và trong chuỗi giá trị đó, Việt Nam đang sử dụng nguồn nguyên liệu lớn từ phía Trung Quốc để phục vụ 2 ngành này. "Khi đồng nhân dân tệ xuống thấp, thì các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn nguyên liệu rẻ hơn, cạnh tranh hơn. Điều này sẽ đẩy mạnh xuất khẩu cho các mặt hàng dệt may và da giày", ông Hải khẳng định.
Liên quan đến tình hình xuất khẩu của mặt hàng nông sản, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cũng chia sẻ, động thái Trung Quốc phá giá nhân dân tệ chưa làm ảnh hưởng nhiều đến việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang nước này. Bởi, thực tế Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhóm hàng này qua đường chính ngạch với số lượng chưa nhiều, mà chủ yếu theo đường tiểu ngạch.
Mặc dù vậy, ông Hải cũng thừa nhận rằng, với những mặt hàng nông sản có số lượng nhập khẩu sang Trung Quốc như sắn và cao su về dài hạn sẽ bị ảnh hưởng.
Ngoài những mặt hàng trên, hiện nay, ngành Phân bón và Hoá chất cũng đang được nhận định là có nhiều lợi thế, sau khi Trung Quốc thực hiện phá giá đồng nhân dân tệ.
Trong khi đó, cũng liên quan đến Trung Quốc, trả lời câu hỏi của PV về tình hình nhập khẩu ô tô tại thị trường này trong thời gian vừa qua, ông Hải chia sẻ, ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là ô tô tải từ 10 - 45 tấn và xe chuyên dụng. Đây được đánh giá là nhóm hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh.
Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu, 6 tháng đầu năm 2015 Việt Nam nhập 16.925 chiếc ô tô từ Trung Quốc. “Con số này so với năm ngoái là tăng, nhưng chưa phải con số lớn. Việc tăng lượng xe nhập khẩu là do sản xuất kinh doanh của chúng ta đang tốt lên, hệ thống đường sá đã được nâng cấp, lưu thông hàng hóa nhiều nên điều này không đáng lo ngại”, ông Hải nói.
Tiêu thụ hàng hóa giữ ở mức cao
Cũng liên quan đến tình hình sản xuất tiêu thụ của các ngành chủ lực trong nước, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, trong 7 tháng đầu năm, hoạt động tiêu thụ của những ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn duy trì xu hướng tăng trưởng khá, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2014.
Theo đó, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 7 tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 14,8 % so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng năm 2015, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2014 tăng 8,9%).
Trong đó, các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng trưởng khá so với cùng kỳ gồm sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 38,9%; sản xuất xe có động cơ tăng 29,9%; sản xuất kim loại tăng 23%;...
Về tình hình tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn so với cùng kỳ. Bằng chứng, tại thời điểm 1/8/2015, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,1% so với cùng thời điểm năm 2014 (thấp hơn 3,3 điểm phần trăm của cùng thời điểm năm 2014).
Chỉ số tồn kho của một số ngành giảm so với cùng kỳ như sản xuất thiết bị điện giảm 2,6%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 3%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất giảm 9,9%; thuốc lá giảm 10,8%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 34%...
Theo VnMedia
|