Câu chuyện từ HTX Quang Minh sau đây cho thấy, các DN vừa và nhỏ hoàn toàn có thể hội nhập tốt nếu chọn hướng đi đúng phù hợp gắn với nhu cầu thị trường.
Khởi nghiệp năm 2003, bình quân mỗi năm, giá trị xuất khẩu của HTX Quang Minh vào khoảng 1 triệu USD. Khách hàng đa phần là tầm thấp hoặc tầm trung, với lượng hàng nhập mỗi tháng chỉ vài container.
Năm 2009, HTX Quang Minh và nhiều HTX khác phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế. Để tránh thua lỗ, nhiều đơn vị thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng, thậm chí là giải thể.
Thế nhưng, HTX Quang Minh lại mở rộng sản xuất, hướng sang xuất khẩu trực tiếp, tổ chức sản xuất kinh doanh theo mô hình hiện đại.
Để đảm bảo đáp ứng những đơn hàng lớn, yêu cầu chất lượng cao và đồng đều, HTX Quang Minh bắt đầu đẩy mạnh cơ giới hóa và tập trung đào tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân.
Năm 2012, HTX đầu tư hơn 8 tỷ đồng xây dựng thêm 3.000m2 nhà xưởng, nhập về 4 máy sản xuất dây nhựa để đa dạng hóa sản phẩm.
Ngoài những thị trường truyền thống như EU, Nhật, Hong Kong, HTX Quang Minh đang mạnh dạn tiếp cận thị trường Mỹ. Ngoài những mặt hàng chủ lực sử dụng nguyên liệu từ thiên nhiên, HTX đã phát triển thêm các sản phẩm đan dây nhựa. Hiện HTX mới chủ động được 20% - 30% mẫu mã, còn lại đều làm theo yêu cầu của khách hàng.
Từ xuất nhỏ lẻ qua trung gian chuyển sang xuất khẩu trực tiếp với đơn đặt hàng lớn, nhờ đó giá trị nâng lên khoảng 4 triệu USD mỗi năm.
Câu chuyện từ HTX Quang Minh cho thấy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở ĐBSCL hoàn toàn có thể hội nhập tốt nếu chọn hướng đi đúng phù hợp gắn với nhu cầu thị trường.
Theo Trung tâm Tin tức VTV24