Một mặt hàng phải chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định khác nhau, thuộc thẩm quyền của nhiều ban, ngành dẫn đến kiểm tra trùng lắp làm lãng phí thời gian, tiền bạc của doanh nghiệp (DN).
Bức xúc này được nhiều chuyên gia, DN đưa ra tại hội thảo về đơn giản hóa thủ tục kiểm dịch hàng xuất nhập khẩu do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương tổ chức tại TP HCM ngày 23-9.
Theo ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia tư vấn dự án USAID GIG, thủ tục quản lý chuyên ngành chưa có chuyển biến đáng kể. Kết quả khảo sát 5 chi cục Hải quan lớn tại TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương cho thấy tỉ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành chiếm 30%-35% tổng số lô hàng nhập khẩu. So với năm 2014, tỉ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành không giảm.
Đại diện Công ty CP Sữa Việt Nam bức xúc: “Các cơ quan thú y, bảo vệ thực vật kiểm dịch những sản phẩm đã đóng hộp rồi, Bộ Y tế cũng đã kiểm tra, chứng nhận nhưng khi thông quan lại tiếp tục bị kiểm dịch thú y, thật không thể hiểu!”.
Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam, phản ánh các DN phải làm thủ tục xuất khẩu hàng sang Trung Quốc mất từ 15-20 ngày là quá dài, ảnh hưởng đến việc kinh doanh của DN.
Đặc biệt, hàng xuất khẩu là những mặt hàng bị kiểm tra chuyên ngành gắt gao nhất, chịu sự quản lý, cấp giấy phép, kiểm tra, cấp chứng thư của nhiều cơ quan cùng bộ hay nhiều bộ, ngành khác nhau. Chẳng hạn, mặt hàng hạt điều thô và nhân, thủy sản, sữa và các sản phẩm từ sữa, chè, cà phê, tơ tằm đều phải kiểm dịch thực vật, kiểm dịch động vật, kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm... cả khi xuất và nhập khẩu.
Ngoài ra, từ đầu năm 2015, cơ quan kiểm dịch thực vật yêu cầu hàng xuất khẩu là các mặt hàng nông lâm sản phải kiểm dịch thực vật dù phía nhà nhập khẩu không yêu cầu. Các DN cho rằng quy định này không phù hợp, làm tăng gánh nặng thủ tục hành chính và chi phí của DN.
Cố vấn cao cấp về thuận lợi hóa thương mại của USAID GIG, chuyên gia Peter Bennett, nhận định Việt Nam là thị trường rất tiềm năng để các nước như Mỹ, Anh, Đức, Nhật đầu tư, giao thương kinh tế. Nhưng điểm yếu là còn quá rườm rà về thủ tục xuất nhập khẩu làm lãng phí thời gian, thiệt hại cho DN. “Một nghịch lý hiện nay là thời gian vận chuyển hàng từ Thái Lan, Ấn Độ về cảng Việt Nam còn nhanh hơn nhiều so với thời gian ngồi chờ nhận hồ sơ thủ tục để được thông quan” - ông Peter Bennett nói.
Theo Người lao động.