Việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất huy động USD về sát 0% được kỳ vọng làm giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ, chống đô la hóa, làm tăng giá trị tiền Việt Nam
Từ ngày 28-9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định hạ lãi suất tiền gửi bằng USD tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài xuống còn 0%/năm đối với khách hàng là tổ chức và 0,25%/năm đối với khách hàng cá nhân. Trước đây, lãi suất tiền gửi USD đối với tổ chức là 0,25%/năm và cá nhân là 0,75%/năm.
Điều chỉnh kịp thời
Lúc 10 giờ, chúng tôi đến NH Sài Gòn (SCB) tìm hiểu lãi suất tiền gửi USD. Trên bảng điện tử của NH này vẫn còn thông báo lãi suất tiền gửi USD là 0,75%/năm. Một nhân viên của SCB giải thích NH chưa kịp cập nhật thông tin trên bảng điện tử còn thực tế giao dịch đã áp dụng mức 0,25% cho mọi kỳ hạn.
Tại NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Gia Định, có khá nhiều người đến giao dịch. Chi nhánh này vẫn mở số tiết kiệm cho một cá nhân gửi 2.000 USD, kỳ hạn 6 tháng với lãi suất 0,75%/năm như trước nay. Sau khi được chúng tôi thông tin, lãnh đạo NH này đã cho kiểm tra và sau đó liên hệ với khách hàng để điều chỉnh lãi suất.
Sáng cùng ngày, NH Á Châu (ACB) vẫn niêm yết lãi suất tiền gửi USD 0,75%/năm. Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng Giám đốc ACB, xác nhận đến đầu giờ chiều, sau khi nắm được thông tin, toàn hệ thống ACB đã giao dịch với lãi suất tiền gửi USD theo đúng quy định.
Nhìn chung, vài giờ sau khi NHNN điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi USD, hầu hết các NH thương mại đã kịp thời điều chỉnh, niêm yết biểu lãi suất mới, với mức 0,25%/năm cho tất cả các kỳ hạn và 0,1%/năm khi khách hàng gửi không kỳ hạn.
Hạn chế găm giữ ngoại tệ
Động thái giảm lãi suất huy động USD của NHNN đưa ra trong bối cảnh thị trường kỳ vọng tỉ giá có thể tiếp tục tăng theo biến động trên thị trường thế giới dù từ đầu năm đến nay, NHNN đã 3 lần tăng tỉ giá và 2 lần nới biên độ giao dịch khiến trần tỉ giá tổng cộng đã tăng khoảng 5% so với cuối năm ngoái.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, nhìn nhận việc hạ lãi suất tiền gửi USD sẽ giảm tính hấp dẫn của ngoại tệ và khuyến khích doanh nghiệp (DN), người dân chuyển qua nắm giữ VNĐ. Thực tế cho thấy sau khi Trung Quốc điều chỉnh chính sách tỉ giá vào ngày 11-8 và NHNN tăng tỉ giá, nới biên độ đã phát sinh tình trạng găm giữ USD do kỳ vọng tỉ giá tăng trong 3 tháng cuối năm.
Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính NH, đây là động thái của NHNN nhằm thực hiện 2 mục tiêu: giảm đô la hóa trong nền kinh tế và ổn định tỉ giá. “Lãi suất giảm làm độ hấp dẫn của USD không còn nhiều, người dân sẽ bớt mua ngoại tệ hoặc găm giữ ngoại tệ giúp giảm áp lực lên tỉ giá. Dù từ đầu năm đến nay, tỉ giá đã giảm khoảng 5% nhưng việc người dân găm giữ ngoại tệ chờ “sóng” tỉ giá đã không còn mạnh như trước mà ổn định hơn rất nhiều” - ông Lực phân tích.
Trong khi đó, theo đánh giá của ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia kinh tế - tài chính, việc điều chỉnh lãi suất USD là cần thiết vì sẽ làm cho người dân không còn khuynh hướng gom USD để đầu cơ, đầu tư vì thấy không có lợi. “Khi đó, nếu người dân chuyển sang nắm giữ VNĐ để gửi NH thì các NH thương mại sẽ không khan hiếm VNĐ, cả lãi suất huy động và cho vay sẽ không bị đẩy lên cao” - ông Minh nhận định.
Không lo mất thanh khoản
Liệu việc lãi suất USD giảm thấp trong bối cảnh cho vay ngoại tệ tăng khá mạnh có nguy cơ rủi ro thanh khoản cho các NH thương mại? Về vấn đề này, TS Cấn Văn Lực cho rằng dòng tiền gửi bằng ngoại tệ chạy ra khỏi NH khi lãi suất giảm sẽ không đáng quan ngại bởi lâu nay lãi suất USD vốn rất thấp, nay có giảm thêm một chút cũng không quá lo lắng. Chuyên gia Huỳnh Trung Minh nhấn mạnh thêm khi DN vay ngoại tệ để mua bán, sản xuất kinh doanh, làm hàng xuất khẩu đều được yêu cầu phải có nguồn ngoại tệ thu về để trả nợ cho NH thương mại. NHNN kiểm soát được dòng tiền này nên không quá lo về thanh khoản.
Tuy thế, ông Minh lưu ý từ nay đến cuối năm, nhập siêu sẽ còn tăng cao và DN cần ngoại tệ để thanh toán tiền cho đối tác, nếu không mua được nguồn chính thống phải tìm kiếm ở thị trường chợ đen, gây rủi ro và áp lực lên tỉ giá. Do đó, NHNN ngoài động thái giảm lãi suất huy động cần đáp ứng đủ nhu cầu thanh toán bằng ngoại tệ của DN.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN:
Hạn chế đô la hóa
* Phóng viên: Lý do của việc điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động bằng USD là gì, thưa bà?
- Bà Nguyễn Thị Hồng: Nhằm nâng cao vị thế của VNĐ và từng bước chống đô la hóa theo chủ trương của Chính phủ, NHNN đã điều chỉnh giảm dần mức lãi suất huy động ngoại tệ xuống còn 0,25%/năm áp dụng đối với tổ chức và 0,75%/năm áp dụng đối với cá nhân. Quá trình này kết hợp với việc thực hiện đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ đã đem lại sự ổn định của thị trường tiền tệ, ngoại hối trong mấy năm qua.
Tuy nhiên, thời gian qua, một bộ phận tổ chức, cá nhân có biểu hiện găm giữ ngoại tệ. Bởi vậy, NHNN quyết định tiếp tục giảm mức trần xuống 0% áp dụng đối với tổ chức và 0,25%/năm áp dụng đối với cá nhân. Giải pháp này phù hợp với phương châm điều hành, đồng thời góp phần nâng cao sức hấp dẫn của VNĐ, hạn chế tình trạng đô la hóa.
* Việc giảm lại suất này có ảnh hưởng đến thanh khoản ngoại tệ của các tố chức tín dụng?
- Thanh khoản ngoại tệ hiện nay của các tổ chức tín dụng vẫn đang trong tình trạng ổn định; nếu tính tỉ lệ tín dụng trên huy động ngoại tệ ở thị trường trong nước thì chỉ ở mức khoảng 80% trong khi giai đoạn 2011- 2012, tỉ lệ này ở mức trên 100%. Nếu tính cả nguồn vốn vay nước ngoài, tỉ lệ này chỉ vào khoảng 60%.
* Bà có thể cho biết định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong thời gian tới?
- NHNN sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành đồng bộ các công cụ và giải pháp nhằm đạt được mục tiêu của chính sách tiền tệ đã đề ra là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Q.Hy thực hiện
Chủ động đối phó FED tăng lãi suất
Ông Phạm Hồng Hải cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập khá sâu với thế giới nên khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, Việt Nam cần duy trì mặt bằng lãi suất USD trong nước ở mức hợp lý để bảo đảm lãi suất USD không quá thấp so với mặt bằng lãi suất thị trường quốc tế. Làm như vậy giúp tránh việc khó thu hút vốn vào Việt Nam hoặc các DN tìm cách giữ doanh thu xuất khẩu tại nước ngoài.
Theo TS Cấn Văn Lực, việc NHNN điều chỉnh giảm lãi suất USD là khá chủ động nhưng cần theo dõi động thái của FED trong điều chỉnh lãi suất để có ứng phó, chính sách kịp thời bởi nếu FED tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến cả chính sách điều hành về tỉ giá và lãi suất của NHNN.
Ông Nguyễn Văn Châu, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Thúy Đạt (KCN Hòa Xá, TP Nam Định):
Phải hạ cả lãi suất cho vay
Chính sách này có thể làm lợi cho DN xuất nhập khẩu nếu như ngân hàng hạ lãi suất đầu gửi đồng thời cũng hạ lãi suất đầu cho vay. Ngược lại, nếu không hạ lãi suất cho vay USD thì không khác nào nuôi béo ngân hàng, DN không có lợi gì. Chúng tôi đang trông đợi động thái điều hành chính sách tiền tệ tiếp theo từ NHNN. Mặt khác, hạ lãi suất có thể khiến người gửi USD, nhất là khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thu USD về và có những bất lợi nhất định cho nền kinh tế.
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng chính sách tiền tệ quốc gia:
Giới đầu cơ “ôm sô”
Việc giảm lãi suất USD nằm trong lộ trình của đề án chống đô la hóa mà Chính phủ đã phê duyệt. Lãi suất tiền gửi USD giảm tác động tích cực đến tỉ giá. Trước ngày 17-9, thời điểm mà toàn thị trường kỳ vọng FED tăng lãi suất USD, giới đầu cơ mạnh tay mua ngoại tệ khiến giá USD tự do có lúc lên tới 22.700 đồng/USD trong khi tại một số NH chạm mức trần 22.547 đồng/USD. Đến ngày 28-9, lãi suất tiền USD giảm 0,5%, lập tức giá USD tự do xuống còn 22.560 đồng/USD, trong khi các NH mua vào 22.400 đồng /USD. Như thế, giới đầu cơ USD đã “ôm sô”, chủ trương chống đô la hóa bước đầu phát huy tác dụng.
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh:
Tín hiệu tốt cho nền kinh tế
Việc hạ lãi suất huy động USD về nguyên tắc sẽ làm tăng giá trị đồng tiền nội địa, đây là tín hiệu tốt cho nền kinh tế. Khi lãi suất huy động USD giảm thì khối DN FDI sẽ rút tiền ra, có thể làm cho dự trữ ngoại hối mang tính rủi ro cao. Dù vậy, tiền của khối FDI để trong ngân hàng chủ yếu phục vụ mục đích nhập khẩu nguyên vật liệu nên ảnh hưởng của nó không đáng kể.
P.Nhung - T.Thơ ghi
Theo Người lao động.