Trước tình hình XK nhiều mặt hàng nông sản giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm 2015, Bộ NN-PTNT sẽ nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm giữ kim ngạch XK từ nay đến cuối năm.
XK gạo đón tin vui
Khó khăn
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 10/2015 diễn ra hôm qua (6/10), Bộ NN-PTNT cho biết, GDP 9 tháng đầu năm khu vực nông, lâm, thủy sản ước tăng 2,08% so với cùng kỳ năm 2014; giá trị SX toàn ngành tăng 2,1%, đây là mức tăng khá thấp so với kỳ vọng.
Trong khi đó, tình hình XK các mặt hàng nông sản chủ lực tiếp tục gặp khó khăn, giảm cả về khối lượng và giá trị so với tháng 8/2015 (ngoại trừ XK gỗ tăng 6,6%).
Cụ thể trong tháng 9/2015, giá trị XK ước đạt 2,15 tỉ USD, giảm 419 triệu USD (-16,3%) so với tháng 8/2015 và giảm 574 triệu USD (-21%) so với tháng 9/2014. Trong đó, XK nông sản chính đạt 973 triệu USD, giảm 14,6%; thủy sản đạt 541 triệu USD, giảm 8,9% và lâm sản 474 triệu USD, giảm 23,2% so với tháng 8/2015.
Tính chung lũy kế 9 tháng đầu năm 2015, cà phê là mặt hàng giảm sâu nhất cả về số lượng và giá trị XK (lần lượt giảm 31,2% về số lượng và 32,2% về giá trị); kế tiếp là gạo giảm 10% về lượng và 15,7% về giá trị; hạt tiêu giảm 21% về lượng; chè giảm lần lượt 8,8% về lượng và 8,1% về giá trị XK…
Tổng 9 tháng đầu năm, kim ngạch XK các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chỉ đạt 21,7 tỉ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thủy sản giảm 17,8%. Theo Bộ NN-PTNT, dự báo cả năm 2015, kim ngạch XK của ngành nông nghiệp có thể chỉ đạt 95% so với kế hoạch đề ra.
Nguyên nhân cơ bản khiến XK giảm là việc đồng đô-la Mỹ tăng giá, tỷ giá của một số ngoại tệ mạnh biến động theo chiều hướng bất lợi cho XK; nguồn cung các mặt hàng nông sản tiếp tục tăng khiến tồn kho cao ở nhiều nước. Trong khi đó, các thị trường XK nông sản chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản… đều giảm về nhu cầu NK, tăng cường việc xây dựng hàng rào kỹ thuật, yêu cầu khắt khe về chất lượng… cũng là yếu tố khiến số lượng XK tụt giảm.
Trước những khó khăn này, Bộ NN-PTNT đã yêu cầu BCĐ Thị trường nông nghiệp phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, DN tiếp tục theo dõi sát tình hình SX, diễn biến thị trường nhằm cố gắng giữ được kim ngạch XK ở các mặt hàng trọng yếu.
Từ nay đến cuối năm, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục cử các đoàn công tác xúc tiến thương mại sang các thị trường lớn như Ấn Độ, Mỹ, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Thái Lan… nhằm khảo sát, tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vướng mắc, khơi thông thị trường. Ở trong nước, sẽ tăng cường việc kiểm tra giám sát chất lượng sản phẩm nông sản XK, nhất là điều kiện vệ sinh ATTP của các mặt hàng chè, măng, muối…; đón và làm việc với đoàn thanh tra EU sang thẩm tra về việc khắc phục khuyến cáo đối với mặt hàng nhuyễn thể hai mảnh của Việt Nam XK sang EU; quyết liệt ngăn chặn tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu.
Đặc biệt từ nay tới cuối năm, Bộ sẽ ban hành Danh mục hàng hóa bắt buộc phải kiểm tra chất lượng, điều kiện vệ sinh ATTP trước khi thông quan XK nhằm ngăn chặn các lô hàng vi phạm quy định của nước XK.
XK gạo sáng sủa
Trái với tình hình XK ảm đạm của nhiều loại nông sản, XK gạo lại đang có nhiều thông tin lạc quan.
Trong tháng 9/2015, Philippin đã mở gói thầu mua 750 nghìn tấn gạo, trong đó Việt Nam đã chính thức trúng thầu 450 nghìn tấn với giá tốt.
Ngay sau khi trúng gói thầu này, giá lúa gạo nội địa đã tăng lên rõ rệt, trung bình tăng từ 300 – 400 đ/kg. Tới ngày hôm qua (6/10), giá lúa thường tại An Giang đã nhích lên bình quân 4.100 đ/kg lúa tươi; lúa Jasmine tăng lên bình quân 5.700 đ/kg lúa khô.
Đồng thời, Việt Nam đã trúng thầu thêm các hợp đồng XK khoảng 1 triệu tấn gạo với giá cao. Với tình hình này, tin tưởng rằng từ nay đến quý I năm 2016, giá lúa gạo sẽ không thấp hơn hiện tại và sẽ tiếp tục nhích lên, người trồng lúa có lãi. Tuy nhiên, tất cả đều chưa hẳn màu hồng. Sau quý I năm 2016, giá lúa gạo trong nước sẽ khó có khả năng nhích thêm lên, thậm chí có thể sẽ tụt nhẹ trở lại, vì vậy đòi hỏi việc điều chỉnh cơ cấu ngành lúa gạo trong nước phải tiếp tục triển khai rốt ráo trong thời gian tới
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam