|
Nghị quyết số 36a/NQ-CP vạch ra lộ trình thực hiện Chính phủ điện tử: Trong 3 năm 2015 - 2017 tập trung cải cách hành chính gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính.
Theo đó, phấn đấu đến hết năm 2016, các bộ, ngành Trung ương có 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ (dịch vụ công trực tuyến mức độ 3).
Bên cạnh đó, một số dịch vụ công phổ biến, liên quan nhiều tới người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4).
Các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của Bộ Chính trị, các chương trình, kế hoạch của Chính phủ và các nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNTT; tập trung vào giải pháp đẩy mạnh đổi mới, tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước, nhất là trong việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với những lĩnh vực bức thiết, liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Từng bước triển khai các hệ thống thông tin quốc gia về dân cư, đất đai - xây dựng, doanh nghiệp,... ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện chứng từ, hồ sơ điện tử.
Đến năm 2016 các bộ, ngành Trung ương có 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3. Tích cực triển khai để cung cấp dịch vụ công mức độ 4. Xây dựng, ban hành và hàng năm cập nhật danh sách các dịch vụ công được ưu tiên cung cấp trực tuyến tối thiểu ở mức độ 3 của các bộ, ngành, địa phương.
Nghị quyết cũng nêu rõ, tổ chức đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT ở các cơ quan nhà nước các cấp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về CNTT và việc thuê dịch vụ CNTT; tăng cường năng lực cán bộ làm công tác an toàn, an ninh thông tin trong các cơ quan nhà nước.
Ghi loại chi CNTT theo phân ngành kinh tế trong hệ thống mục lục ngân sách như quy định tại Luật Công nghệ thông tin năm 2006; sử dụng nguồn kinh phí khoa học công nghệ để thực hiện nội dung ứng dụng CNTT trong nhiệm vụ khoa học - công nghệ và đầu tư hạ tầng thông tin khoa học - công nghệ; sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam cho những nhiệm vụ cụ thể.
Khẩn trương hoàn thiện các quy định về điều kiện, thủ tục đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ, sản phẩm CNTT; tạo điều kiện đẩy nhanh thực hiện thuê dịch vụ, sản phẩm CNTT trong các cơ quan nhà nước, đặc biệt trong triển khai các dịch vụ công có thu. Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi về thuế để khuyến khích mạnh mẽ, thu hút các nhà đầu tư đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNTT tại Việt Nam.
Theo Đầu tư
|