Trong 11 tiêu chí được đánh giá, Việt Nam có một số chỉ số tăng hạng so với năm ngoái. Đáng chú ý, chỉ số về tiếp cận điện năng tăng 22 bậc, từ hạng 130, năm 2015 lên 108; chỉ số về tiếp cận tín dụng tăng 8 bậc, từ hạng 36 lên 28; chỉ số khởi sự kinh doanh tăng 6 bậc, từ hạng 125 lên 119.
“Việt Nam đang thực hiện cải cách nhằm bảo đảm người vay có thể kiểm tra được thông tin tín dụng cá nhân và thành lập thêm văn phòng tín dụng mới để mở rộng diện cho vay. Nhờ đó, đối tượng vay vốn được mở rộng tương đương một số nước thu nhập cao. Các doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam có quá trình trả nợ tốt sẽ dễ vay vốn hơn do các tổ chức tín dụng dễ xác minh độ khả tín của họ” - báo cáo của WB nêu rõ.
Chỉ số về nộp thuế của Việt Nam dù tăng từ hạng 172 lên 168 nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng bởi đây là lĩnh vực trọng điểm trong mục tiêu cải thiện của Nghị quyết 19 năm 2015 của Chính phủ. Đặc biệt, chỉ số xin cấp phép xây dựng của Việt Nam vẫn giữ vững vị trí ấn tượng - xếp 12 trên toàn cầu - bên cạnh một số chỉ số giữ nguyên như bảo vệ quyền tài sản, thực hiện hợp đồng…
Tuy nhiên, có một số chỉ số năm nay giảm so với xếp hạng công bố năm ngoái. Đó là chỉ số thương mại qua biên giới (từ hạng 98 xuống 99), chỉ số bảo vệ nhà đầu tư (từ hạng 121 xuống 122).
Báo cáo năm nay ít có sự thay đổi trong tốp 10 nền kinh tế đứng đầu so với năm 2015. Trong đó, Singapore đánh dấu lần thứ 10 liên tiếp thống trị bảng xếp hạng, theo sau là New Zealand, Đan Mạch, Hàn Quốc, Hồng Kông, Anh, Mỹ, Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan.
Ở chiều ngược lại, 10 nền kinh tế đứng chót chủ yếu tập trung ở châu Phi song có 2 ngoại lệ là Haiti (182) và Venezuela (186) thuộc châu Mỹ.
Không thể không nhắc đến Trung Quốc - nền kinh tế số 2 thế giới - rớt một bậc, xuống vị trí 84. Trái lại, dù đang vật lộn với suy giảm kinh tế vì giá dầu tụt dốc và các lệnh trừng phạt của phương Tây nhưng Nga vẫn tăng 3 bậc, lên vị trí 51.
Theo Người lao động.