|
Làn sóng thâu tóm, sáp nhập của doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp yếu trong nước ngày càng mạnh.
Đinh Hữu Thành –TGĐ Công ty giao nhận Con ong cho biết, hiện nay thị phần của các doanh nghiệp nội địa trong lĩnh vực giao nhận (logistics) chỉ chiếm 25%. Khi Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế chung ASEAN, TPP thì phần lớn doanh nghiệp nội yếu sẽ vô cùng khó khăn.
Các công ty logistics nước ngoài lại cho rằng các doanh nghiệp trong nước đang bỏ ngỏ thị trường nội địa khiến sự lấn sân của họ ngày càng lớn tại Việt Nam. Điều này có đúng không thưa ông?
Nhận định này tương đối chính xác. Theo thống kê, các doanh nghiệp FDI đang chiếm 75% thị phần tại Việt Nam, còn lại các doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 25% thị phần.
Tại sao lại có sự chênh lệch lớn như vậy?
Điều này bắt nguồn tự sự phát triển của các doanh nghiệp nội địa chưa đủ mạnh. Các doanh nghiệp trong nước chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Khách hàng muốn một công ty logistics có thể cung cấp được chuỗi dịch vụ nhưng các công ty trong nước không đáp ứng được.
"Việt Nam càng hội nhập sâu thì rủi ro với các doanh nghiệp càng nhiều bởi nguy cơ gian lận thương mại. Các thương nhân một số nước tìm cách lấy được giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (CO) của Việt Nam bằng cách đưa hàng vào Việt Nam rồi từ Việt Nam đưa hàng vào nước thứ ba để được hưởng mức thuế thấp. Do đó, chúng tôi phải xác định rõ nguồn gốc của hàng hoávận chuyển. Hay khi khách đề cập việc chuyển hàng bất hợp pháp qua Việt Nam chúng tôi cũng từ chối ngay", ông Đinh Hữu Thành cho hay. |
Hơn nữa, nói về tiềm lực tài chính hay công nghệ, doanh nghiệp trong nước cũng thua các công ty FDI. Họ có hệ thống toàn cầu, khách hàng toàn cầu.
Bên cạnh đó, khi các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam thì cũng kéo theo các doanh nghiệp logistics của họ. Một số doanh nghiệp nước ngoài có tính dân tộc cao như Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ họ sẵn sàng chấp nhận trả giá cao hơn 10% để thuê dịch vụ logistics của các doanh nghiệp nước họ.
Vậy nguy cơ đối với những doanh nghiệp logistics yếu khi hội nhập thời gian tới thế nào, thưa ông?
Tôi nghĩ thời gian tới sẽ có sự thay đổi rõ nét. Hiện 80% các doanh nghiệp logistics trong nước đều yếu. Tỷ lệ 25% thị phần cũng chỉ dồn cho một số công ty lớn thôi chứ không rải đều.
Khi Việt Nam hội nhập sâu, chính sách đối với ngành này mở cửa, các doanh nghiệp yếu chỉ còn cách tạo ra liên kết chuỗi với nhau để mạnh lên hoặc sáp nhập với các doanh nghiệp nước ngoài.
Hiện làn sóng thâu tóm doanh nghiệp, sáp nhập của doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp yếu trong nước đang ngày càng nhiều. Đây cũng là cách họ dễ dàng đặt chân vào thị trường nước ta hơn.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế chung ASEAN, sau đó là TPP… điều này có mang lại cơ hội nào cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam không thưa ông?
Chúng tôi đang chờ cơ hội do cộng đồng kinh tế ASEAN mang lại. Chúng tôi là doanh nghiệp 100 vốn trong nước, ban đầu chỉ có 4 nhân viên nhưng nay đã phát triển tới 12 văn phòng hoạt động cả trong và ngoài nước. Việc mở rộng ra thị trường nước ngoài là cơ hội cho doanh nghiệp logistics vươn lên. Thái Lan cho tới hết 2015 chỉ cho phép doanh nghiệp nước ngoài đầu tư 49% vốn vào công ty ngành logistics. Như khi gia nhập cộng đồng kinh tế chung này thì tỷ lệ này sẽ tăng lên 75%. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp nâng cao thị phần tại nước này. Bên cạnh đó, giao thương các nước thông thoáng thì lượng hàng hoá chuyên chở cũng sẽ tăng lên.
Xin cảm ơn ông.
Theo báo Giao thông.
|