Những điều kiện, thủ tục xuất khẩu khoáng sản nghiêm ngặt trong dự thảo Thông tư mới đây của Bộ Công Thương đang làm doanh nghiệp khai khoáng phải lưu tâm. Câu hỏi đặt ra là bao giờ ngành công nghiệp khai khoáng Việt Nam đủ thế và lực để đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế?
Nếu nhìn lại gần hết năm 2015, rõ ràng với ngành công nghiệp khai thác khoáng sản là một năm thất bát trong chuyện xuất khẩu. Đó là chưa kể nhiều doanh nghiệp khai khoáng đang nợ nần chồng chất do khó khăn chung của thị trường, không ít nhà máy chế biến tinh quặng phải “đắp chiếu” chờ thời.
Theo số liệu mới công bố của Bộ Công Thương, xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản trong 10 tháng 2015 chỉ ước đạt gần 4,2 tỷ USD, chiếm 3,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều đáng lưu ý, kim ngạch này đã giảm đến 46,5% so với cùng kỳ năm 2014.
Có ngăn được xuất thô?
Theo nhận định, nhóm nhiên liệu, khoáng sản có giá xuất khẩu bình quân và lượng xuất khẩu bình quân giảm tương đối sâu, do vậy kim ngạch xuất khẩu của nhóm bị ảnh hưởng giảm khoảng 3,65 tỷ USD. Đơn cử như than đá giảm 32,3%; dầu thô giảm 44%.
Trong khi đó, mới đây, Bộ Công Thương vừa công bố Dự thảo thông tư về xuất khẩu khoáng sản và đưa ra khá nhiều điều kiện nghiêm ngặt. Cụ thể, doanh nghiệp có vi phạm về khoáng sản, bảo vệ môi trường sẽ không được xuất khẩu khoáng sản. Ngoài ra, khoáng sản phải qua chế biến đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định thì mới được xuất chứ không xuất thô.
Dự thảo cũng quy định khoáng sản xuất khẩu phải được chứng minh nguồn gốc hợp pháp, cụ thể là được khai thác từ các mỏ, điểm mỏ có giấy phép. Đặc biệt, từng lô khoáng sản xuất khẩu đều phải được lấy mẫu kiểm tra chất lượng xem có đủ tiêu chuẩn xuất hay không, tránh tình trạng gian lận xuất khoáng sản thô.
Tháng 9/2015, Bộ Tài chính cũng đã có đề xuất tăng thuế suất tài nguyên 2 – 5% từ năm 2016. Bởi chỉ có như thế thì mới có thể kéo giảm tỷ trọng của nhóm khoáng sản thô, sơ chế trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu như hiện nay dù thực tế việc xuất khẩu này đóng góp một phần đáng kể vào ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra ở đây là trước việc siết chặt điều kiện xuất khẩu khoáng sản, các doanh nghiệp khai khoáng nội địa thực sự có quan tâm đến lộ trình đầu tư đổi mới công nghệ chế biến sâu khoáng sản hay chưa?
Đơn cử như trong lĩnh vực khai thác xuất khẩu khoáng sản Titan cũng còn nhiều chuyện đáng bàn. Tài nguyên quặng sa khoáng Titan ở Việt Nam là rất lớn, đảm bảo đủ cơ sở để xây dựng ngành công nghiệp khai thác, chế biến hiện đại, phát triển ổn định lâu dài.
Nâng cao chuỗi giá trị chế biến
Thế nhưng phần lớn Titan bán ra thị trường chủ yếu là quặng thô. Không chỉ thế, lợi nhuận cao từ việc bán Titan đã khiến người dân, doanh nghiệp nhỏ đua nhau khai thác, buôn bán tràn lan. Chảy máu tài nguyên và việc Nhà nước thất thu luôn là bài toán nan giải.
Trong một lần trao đổi với phóng viên Thời báo Kinh Doanh, ông Nguyễn Thượng Đắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Titan Việt Nam, có nói rằng Việt Nam có trữ lượng lớn về Titan, đứng hàng thứ hai trên toàn cầu và được nhắc đến như một thế mạnh về tài nguyên của nước ta. Nhưng để biến thế mạnh đó thành hiện thực nhằm phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến Titan ở Việt Nam theo hướng hiện đại, nổi trội trên thế giới thì cần khoảng 30 năm nữa.
Ông Nguyễn Thượng Đắc lý giải đó là khi chúng ta hoàn toàn sở hữu được công nghệ khai thác và chế biến với lợi thế về vùng nguyên liệu khoáng sản, để hoàn thiện sản phẩm đầu cuối có giá trị tăng cao.
Thực tế cho thấy, không chỉ có Titan mà tiềm năng khoáng sản của Việt Nam trước kia là rất lớn. Tuy nhiên, ngành công nghiệp khai khoáng Việt Nam đang gặp thách thức lớn trước nguy cơ cạn kiệt tài nguyên.
Do công nghệ yếu kém, chỉ biết xuất thô nên nay phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia phát triển. Việt Nam tuy có lợi thế về nguồn khoáng sản dồi dào nhưng lại trở thành đối tượng để các quốc gia và các tập đoàn khai khoáng có tiềm lực nhảy vào khai thác.
Do đó, việc điều chỉnh chính sách về xuất khẩu khoáng sản là việc cần làm hơn bao giờ hết trong lúc này.
Còn nhớ, hồi tháng 3 năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản. Thủ tướng có nhấn mạnh việc cấp phép hoạt động khoáng sản phải căn cứ quy hoạch khoáng sản, phù hợp với năng lực chế biến, sử dụng và bảo đảm yêu cầu về môi trường; hạn chế và đi đến chấm dứt cấp phép khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ. Đặc biệt, không được xuất khẩu khoáng sản thô…
Có thể thấy, những điều chỉnh về luật, các chỉ thị, nghị định, thông tư để ngăn chặn “chảy máu” khoáng sản đã, đang hoặc sắp sửa có hiệu lực. Điều mong mỏi là công tác quản lý thực thi đảm bảo nghiêm túc và hiệu quả.
Trong ngành khai khoáng, cũng như các ngành khác, nếu doanh nghiệp “muốn gặt” bền vững thì phải chấp nhận đầu tư thích đáng. Cho nên để ngành khoáng sản Việt đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, việc cần làm là phải đầu tư đúng mức về nguồn nhân lực, đầu tư về vốn, đầu tư công nghệ chế biến sâu.
Nhà nước cũng phải xác định cần có chế độ ưu tiên nhất định để ngành khai khoáng không còn xuất thô nhưng vẫn có cơ hội phát triển tốt.
Theo Thời Báo Kinh Doanh