Nhiều doanh nghiệp đứng tên nhận hàng trên vận đơn đã từ chối nhận hàng “bỏ của chạy lấy người”, doanh nghiệp kinh doanh kho bãi, cảng biển thì “kêu trời”.
Tổng cục Hải quan tiếp tục chỉ đạo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, Cục Điều tra chống buôn lậu và các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra với các container quá hạn làm thủ tục hải quan, container nghi chứa hàng cấm ở địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Container hàng tồn đọng tại các cảng biển, cảng hàng không, kho ngoại quan quá nhiều sẽ gây tắc nghẽn việc lưu thông hàng hóa. Theo các quy định, để tìm người nhận, các loại hàng tồn đọng tại cảng, kho phải đăng thông tin, cảng phải thông báo trên các phương tiện truyền thông. Chi phí này không nhỏ, gây thiệt hại cho doanh nghiệp cảng biển, kho bãi.
Từ đầu năm 2015, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã thống kê có khoảng 1.000 container hàng hóa đang nằm lì tại các cảng biển. Qua kiểm kê, hầu hết là những mặt hàng không đủ điều kiện nhập khẩu theo quy định hiện hành, một số hư hỏng do lưu kho quá lâu, một số hàng cấm và hóa chất, lốp xe ôtô cũ… nếu bán đấu giá, thanh lý cũng chỉ có giá đồng nát.
Các đơn vị kinh doanh cảng, kho bãi, các DN cung ứng dịch vụ bưu chính, vận tải tại các khu vực cảng biển TP Hồ Chí Minh đã phải chịu thiệt hại nhiều tỷ đồng vì không thu được phí. Các đơn vị Hải quan quản lý, giám sát cũng tiêu tốn hàng tỷ đồng để kiểm kê, quản lý những lô hàng phần nhiều đã trở thành rác thải.
Do cơ chế quản lý còn nhiều lỏng lẻo đối với hoạt động kinh doanh dạng “tạm nhập tái xuất”, cùng quy định cho phép chủ hàng có thể từ chối nhận hàng nhập khẩu nếu không đúng với hợp đồng, cộng thêm gần đây việc siết chặt cân tải trọng xe quá tải đường bộ… đã dẫn đến tình trạng hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển, cửa khẩu thêm nhiều hơn.
Từ cuối năm 2014, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 203/2014/TT-BTC hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan và tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai xử lý theo các quy định tại thông tư này. Nhờ đó, các đơn vị Hải quan căn cứ tiến hành nhiều hoạt động xử lý hàng hóa tồn đọng.
Nhiều container hàng hóa thuộc dạng dễ hư hỏng, hóa chất nguy hiểm, độc hại (trong đó có 505.000 tấn phân ure, 10 container hóa chất…) đã được làm thủ tục thanh lý vì quá hạn 90 ngày. Tuy nhiên, các quy định về trình tự, thủ tục xử lý hàng hóa tồn đọng hiện nay vẫn gây nhiều vất vả khi thanh lý, tái xuất, thiêu hủy. Cơ quan Hải quan phải đăng thông báo để tìm chủ hàng; sau 15 ngày mới thành lập hội đồng thanh lý gồm đại diện nhiều cơ quan, bộ ngành… Trong khi giá trị hàng hóa không còn là bao, chi phí thiệt hại cho các cơ quan liên quan xử lý hàng hóa tồn đọng tốn kém thì không nhỏ.
Tại TP Hồ Chí Minh, trong số 459 container hàng tồn đọng, mặt hàng lốp (vỏ xe) ôtô có khoảng 28 container. Cảng biển tồn container hàng hóa và container chứa lốp ôtô nhiều nhất là Hải Phòng. Bộ Tài chính đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép một số doanh nghiệp có đủ năng lực, xử lý, tái chế lốp ôtô đã qua sử dụng được tham gia thu mua lốp ôtô đang tồn lưu tại các khu vực cảng biển, cửa khẩu theo đúng quy định.
Cần phải sớm có giải pháp cho việc giải phóng rác thải vỏ ô tô này, vì các lô hàng phế liệu cao su hoặc lốp cao su đã qua sử dụng chi phí bình quân trả phí lưu container, kho bãi khoảng 300 triệu đồng/container, trong khi giá trị hàng hóa bán thanh lý chỉ khoảng từ 10-20 triệu đồng/container. Hiện các cảng biển Việt Nam đang tồn đọng khoảng 2.796 container lốp cao su đã qua sử dụng.
Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 và khu vực 4 cho biết, hơn 900 container hàng nhập khẩu nằm tại cảng Cát Lái đã quá hạn từ 30 ngày đến hơn 90 ngày, nhưng chủ hàng chưa đến làm thủ tục Hải quan để nhận hàng. Trong số 30 lô hàng tồn đọng quá hạn tại Cảng ICD Phước Long - Thủ Đức, có 27 container chứa rượu ngoại các loại như Vodka, Winer, Maine… nhập khẩu từ Nga. Có 21 container thể hiện tên người nhận là Công ty TNHH MTV Quang Phổ (địa chỉ 120/2 Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh).
Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cũng đã phát thông báo truy tìm chủ nhân của 407 container hàng và 63 lô hàng rời tồn đọng tại các cảng biển TP Hồ Chí Minh. Hầu hết số container hàng nêu trên đã cập cảng trên 90 ngày (quá thời hạn tại cửa khẩu nhập theo quy định).
Trong đó, tại cảng Cát Lái có 335 container, cảng ICD Phước Long 29 container, cảng VICT và Bến Nghé có 42 container và 63 lô hàng rời. Hàng hóa thể hiện trên manifest là nhựa phế liệu, hàng chục container lốp xe ôtô đã qua sử dụng, ôtô… Quá thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông báo, nếu không có người nhận, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc “giải cứu” rác thải container tại các cảng biển, cửa khẩu bước đầu đã được xử lý, được sự đồng thuận, phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan.
Theo Công an nhân dân