Hiện nay, với xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa đòi hỏi chuỗi cung ứng – logistics - hệ thống giao thông vận tải của khu vực có nhiều tiềm năng về hàng hóa nông sản phải liên kết và hòa nhập với cả nước và các nước trên thế giới trong nhiều phương diện để thúc đẩy nhanh quá trình tăng trưởng kinh tế. Vấn đề đặt ra là để ĐBSCL phát triển tương xứng với tiềm năng thì việc xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng - logistics hiện nay là rất cấp bách.
Theo ông Lê Duy Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), mục đích của logistics là kết nối vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ sao cho nhanh hơn và chi phí thấp hơn; đồng thời, bảo quản tốt chất lượng hàng hóa, kiểm soát rủi ro. Chính vì thế, sự quan tâm của lãnh đạo các địa phương, Chính phủ để phát triển toàn diện kinh tế Tây Nam Bộ với nền tảng hạ tầng và quy hoạch logistics vững mạnh, hiệu quả là tiền đề quan trọng.
Thống kê từ Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, khu vực ĐBSCL đóng góp 60% sản lượng thủy sản và hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Chính vì thế, khu vực này cần được ưu tiên thành lập trung tâm logistics. Bởi, khi hình thành, đây sẽ là trung tâm dịch vụ hậu cần đa phương tiện trong lưu thông và phân phối hàng hóa xuất nhập khẩu cho toàn vùng.
Cần thiết lập trung tâm logistics tại ĐBSCL
Theo phương án quy hoạch, đến năm 2020, cả nước sẽ có 18 trung tâm logistics. Trong đó, có 3 trung tâm hạng I và 15 trung tâm hạng II. Riêng tại ĐBSCL sẽ có 2 trung tâm hạng II (cấp vùng), trong đó 1 trung tâm có quy mô tối thiểu 30 ha đến năm 2020 và 70 ha năm 2030. Trung tâm còn lại tối thiểu 20 ha năm 2020 và 50 ha năm 2030.
Về vấn đề này, ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn thiết kế cảng kỹ thuật biển (Portcoast) phân tích, việc thành lập trung tâm logistics tại vùng ĐBSCL là cần thiết. Qua đó, sẽ góp phần tích cực cho sự phát triển bền vững và ổn định của vùng. Tuy nhiên, trên thực tế, khu vực này vẫn đang bộc lộ những khó khăn.
Tân Cảng Thốt Nốt vừa đưa vào khai thác đảm nhiệm vai trò thu gom, tập kết, thông quan hàng hóa, trọng tâm là ngành hàng gạo, thủy sản ở ĐBSCL |
Trong quy hoạch, Cần Thơ là cảng đầu mối của vùng ĐBSCL. Rõ ràng mạng lưới kết nối từ các cảng địa phương đến Cần Thơ phải được chú trọng.
Trong kết nối nội vùng này, vấn đề tận dụng mạng lưới đường thủy nội địa cần phát triển hơn. Vấn đề nữa là trung tâm logistics, quy hoạch của Bộ Công thương đã có, một số địa phương cũng đã lập quy hoạch trung tâm logistics. Tuy nhiên, nhìn chung là còn thiếu và khó.
Ông Trần Khánh Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn nêu rõ, chiến lược phát triển hệ thống cảng biển của ĐBSCL phải đi theo hướng lấy Cảng Cái Cui của Cần Thơ làm cảng trung tâm của ĐBSCL; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các cảng nhỏ trong khu vực để kết nối.
Theo ông Trần Khánh Hoàng, dự án đầu tư xây dựng luồng tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu sẽ được hoàn thành vào đầu năm 2016. Từ đó, sẽ cho phép tàu biển có tải trọng 10.000 tấn đầy tải và tàu 20.000 tấn giảm tải ra vào cảng Cái Cui. Hiện có kế hoạch hợp tác xây dựng cảng Cái Cui trở thành cảng trung tâm ĐBSCL. Hệ thống còn lại trong vùng sẽ kết nối với Cái Cui. Từ Cái Cui sẽ kết nối với hệ thống tàu lớn đến khu vực Cái Mép, Bà Rịa – Vũng Tàu và TPHCM để đi ra thế giới.
ĐBSCL là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; an ninh, quốc phòng của Việt Nam. Chính vì thế, việc ĐBSCL phát triển hạ tầng và tăng cường chuỗi giá trị trong sản xuất, phát triển logistics thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh với hệ thống bến cảng đủ năng lực xếp dỡ chuyên nghiệp, kết nối đồng bộ với với hệ thống giao thông vận tải hoàn chỉnh sẽ giảm thiểu tối đa chi phí đầu vào, phát huy được năng lực cạnh tranh. Từ đó, nhằm tăng giá trị gia tăng hàng hóa đối với các mặt hàng chủ lực của vùng ĐBSCL./.