Cụ thể, theo Báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải): Tính từ 1-1-2015 đến hết ngày 15-12-2015, các Trạm KTTTX trên cả nước và Thanh tra các Sở Giao thông vận tải sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra 635.351 xe, phát hiện 50.863 xe vi phạm, trong đó 2.367 xe vi phạm về kích thước thùng hàng, tước 20.289 Giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 345 tỷ đồng.
Trong thời gian trên, các Cục Quản lý đường bộ cũng đã tiến hành kiểm tra và xử lý 2.802 xe, trong đó 2.079 xe vi phạm về tải trọng, 601 xe vi phạm về kích thước thùng hàng, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 44,7 tỷ đồng.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam nêu rõ: Mặc dù đạt được nhiều kết quả, song việc kiểm tra và xử lý vi phạm về bốc xếp hàng hóa lên phương tiện tại các cơ sở đầu nguồn hàng, kho bãi, bến cảng còn chưa được thường xuyên, liên tục, kết quả còn hạn chế, chưa phân tích được số liệu sau khi đã kiểm tra. Bên cạnh đó, một số địa phương có cảng, mỏ chưa quyết liệt kiểm soát việc xếp hàng lên xe và chưa kiên quyết xử lý.
Nhiều Ban Quản lý dự án, Nhà thầu thi công, Nhà đầu tư BOT, doanh nghiệp cảng, mỏ, nhà máy sản xuất xi măng, Clinker, doanh nghiệp vận tải, mặc dù đã ký cam kết với Bộ Giao thông vận tải UBND các tỉnh về không bốc xếp, tiếp nhận phương tiện vận tải hàng hóa quá tải trọng quy định, nhưng thực tế vẫn vi phạm cam kết, không phối hợp với các Đoàn Thanh tra của các Cục Quản lý đường bộ, hoặc phối hợp rất hạn chế trong công tác xử lý xe quá tải và xe cơi nới thành thùng.
Thời gian tới, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý vi phạm, bảo đảm số xe vi phạm trong số xe dừng cân kiểm tra đạt tỷ lệ từ 70% trở lên, hạn chế đến mức thấp nhất việc dừng xe kiểm tra mà không vi phạm; các vi phạm được phát hiện trên tuyến phải tiến hành làm rõ quá trình vi phạm theo đúng nội dung trong Kế hoạch cao điểm.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức trực tiếp làm nhiệm vụ kiểm soát tải trọng xe trên tuyến để nâng cao hiệu quả công tác, phòng ngừa sai phạm…
Theo báo Hải Quan.