Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, việc tăng thị phần vận tải đường thủy, đường sắt để san sẻ cho vận tải đường bộ sẽ góp phần giảm chi phí vận tải cho doanh nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ của ngành vận tải và hiệu quả của nền kinh tế.
Tăng cường vận tải chi phí thấp
Trong năm 2015, thống kê của ngành giao thông cho thấy xu hướng thay đổi tích cực là tỷ lệ thị phần vận tải đường bộ (có chi phí cao hơn tương đối so với vận tải đường sắt và đường biển) đã giảm từ 76% xuống còn 65%. Như vậy, việc vận chuyển hàng hóa đã và đang chuyển dần từ phương thức vận tải đường bộ sang các loại hình vận tải khác. Việc đa dạng phương thức vận chuyển giúp các doanh nghiệp vận tải có nhiều lựa chọn hơn để tối ưu hóa chi phí vận chuyển và nâng cao lợi nhuận.
Hiện nay, vận tải đường bộ hiện vẫn chiếm thị phần khoảng 65% về vận chuyển hàng hóa và 95% vận tải hành khách, dẫn đến tình trạng quá tải và chi phí cao. Trong khi đó, vận tải đường thủy nội địa mới ở mức 30,28% thị phần vận chuyển hàng hóa mặc dù tiềm năng này rất lớn. Vận tải bằng các hình thức khác cũng đang còn rất thấp: Đường sắt chỉ khoảng 2% (hàng hóa); 1,14% (hành khách); hàng không 0,02% và 2,05%... Trong khi đó, giá cước vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ hiện đang cao nhất, từ 1.200 - 3.500 đồng/km so với vận tải đường sắt chỉ 220 - 780 đồng/km; đường thủy 207 - 3.500 đồng/km...
Đơn cử, cước vận tải đường bộ từ Hải Phòng đi Thanh Hóa cho một container 20 tấn hàng vào khoảng 10 - 12 triệu đồng, đi Nghệ An - Hà Tĩnh khoảng 18 - 20 triệu đồng, trong khi đó cước vận tải bằng đường thủy từ Hải Phòng đi Thanh Hóa chỉ 2,4 triệu đồng, đi Nghệ An - Hà Tĩnh khoảng 3 - 3,2 triệu đồng.
Sự bất hợp lý về cơ cấu vận tải còn dẫn đến những vấn đề khác như gia tăng rủi ro, tác động tiêu cực đến các mục tiêu khác như gây áp lực lên hạ tầng giao thông, phá hỏng đường sá…
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhấn mạnh: Năm 2015, tuyến vận tải ven biển đã thực hiện chuyên chở được 6 triệu tấn hàng hóa trong cả nước. Nếu cả 6 triệu tấn hàng hóa này vận chuyển bằng đường bộ, nó sẽ gây tác động tiêu cực đến an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng cầu đường và ùn tắc giao thông…
Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Trần Bảo Ngọc chia sẻ thêm: Tuyến vận tải ven biển đã thay thế khoảng 200.000 lượt xe loại 30 tấn đi theo đường bộ. Nếu chỉ 10% lượng xe đó chở quá tải, không chỉ kết cấu hạ tầng bị phá hỏng, mà công sức, thời gian và kinh phí chống xe quá tải sẽ rất lớn.
Điểm yêu của vận tải đường sắt là thiếu sự kết nối với các lọa hình vận tải khác.
Với những bất cập về phương thức vận tải hiện nay, Bộ GTVT đã lên kế hoạch tiếp tục nâng cao năng lực các loại hình vận tải khác như đường sắt, hàng hải, hàng không… Theo đó, lĩnh vực đường bộ sẽ chỉ tập trung gom hàng, vận chuyển cự ly ngắn và trung bình; Giảm thị phần liên tỉnh; Ưu tiên phương tiện vận tải công cộng, phương tiện thân thiện với môi trường. Lĩnh vực đường sắt: Chủ yếu đảm nhận vận tải hàng hóa đường dài hoặc trung bình, khối lượng lớn; Vận tải hành khách đường dài, hành khách liên tỉnh, liên thành phố và vận tải hành khách công cộng tại các thành phố lớn... Lĩnh vực đường thủy nội địa: Tập trung khai thác thị phần hàng rời khối lượng lớn (như than, xi măng, phân bón, vật liệu xây dựng…) với chi phí thấp, hàng siêu trường, siêu trọng; Vận tải chuyển tiếp phục vụ nông nghiệp và nông thôn...
Lĩnh vực hàng hải: Chủ yếu đảm nhận hàng hóa viễn dương, các tuyến ven biển, nhất là vận tải Bắc - Nam, vận tải than nhập khẩu phục vụ các nhà máy nhiệt điện, vận chuyển dầu thô phục vụ các nhà máy lọc hóa dầu. Cần nâng cao thị phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu lên 25 - 30%. Phát triển tuyến vận tải hành khách ven biển, hải đảo. Chú trọng đầu tư đảm bảo sự kết nối liên hoàn giữa cảng biển với mạng lưới giao thông quốc gia và đầu mối logistics ở khu vực, xây dựng các cảng cạn và các kết cấu hạ tầng khác hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics. Lĩnh vực hàng không: Tập trung phục vụ vận chuyển hành khách trong nước và quốc tế; Vận chuyển hàng hóa có giá trị kinh tế cao; Tăng thị phần vận tải hành khách quốc tế…
Mục tiêu cụ thể của ngành GTVT là đến năm 2020, vận tải đường bộ giảm dần tỷ trọng còn 54,4% (đối với hàng hóa) và 93,22% (hành khách). Với các lĩnh vực khác, lần lượt là: Đường sắt 4,34% và 3,4%; Đường thủy nội địa 32,38% và 0,17%; Hàng hải: 8,55% và 0,07%; Hàng không 0,04% và 3,23%.
Tăng kết nối để giảm chi phí
Theo Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Bùi Thiên Thu, vận tải đường biển mặc dù đang rất nhiều tiềm năng, nhưng hiện mới chiếm chưa được 7% tỷ trọng vận tải. Đến nay, cơ chế, chính sách, thủ tục cho tàu vào cảng đã rút ngắn, chỉ còn 15 - 30 phút/tàu so với hàng giờ đồng hồ trước đây… Tuy nhiên, vấn đề kết nối với đường sắt, đường thủy nội địa để chuyển hàng sớm từ cảng biển đến kho vẫn còn là một trở ngại lớn.
Đơn cử, như tàu ở nước ngoài về cần có sự kết nối với đường thủy nội địa để giảm chi phí dịch vụ. Hay nhiều doanh nghiệp hiện rất muốn đầu tư làm đường sắt để kết nối từ các khu công nghiệp với đường sắt, nhưng thủ tục rườm rà và chưa có tiền lệ… Rõ ràng, sự thiếu kết nối giữa đường biển, đường sắt với các phương thức vận tải khác đang là nút thắt cần được Bộ GTVT tháo gỡ để tăng tính kết nối và giảm chi phí vận tải đường bộ đang đè nặng lên vai các doanh nghiệp.
Các chuyên gia giao thông đưa ra cách tính chung, ví dụ, nếu vận tải hàng hóa bằng đường thủy là 1.000 đồng/tấn/km, thì vận tải bằng đường bộ sẽ cao gấp 3,7 lần so với đường thủy, tương đương là 3.700 đồng/tấn/km, còn vận tải hàng hóa bằng đường sắt chỉ khoảng 430 đồng/tấn/km, tương đương 2/3 so với vận tải đường thủy.
Được biết, Cục Đường sắt Việt Nam và Cục Hàng hải Việt Nam đang phối hợp rà soát các cảng có kết nối với đường sắt. Qua rà soát, cục đề xuất Bộ GTVT giao các cục rà soát quy hoạch các cảng biển, cảng sông cần thiết phải kết nối với đường sắt để có thể đưa đường sắt vào lấy hàng tại cảng trong năm nay.
Cuối năm 2015, Bộ GTVT đã đưa Sàn giao dịch vận tải vào hoạt động, nhằm tạo sân chơi bình đẳng, cung cấp công khai mọi thông tin về hàng hóa, giá cước cho các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, doanh nghiệp logistics; đồng thời hỗ trợ tăng khả năng kết nối các phương thức vận tải với nhau. Như vậy, tình trạng xe chạy “rỗng” chiều về sẽ được khắc phục, cũng đồng nghĩa với việc giảm thiểu phương tiện chạy trên đường, giảm ùn tắc, nguy cơ tai nạn giao thông, giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường…
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Bộ GTVT quyết liệt đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, trong đó có tái cơ cấu vận tải để làm sao đẩy mạnh việc kết nối giữa các doanh nghiệp vận tải, các công ty vận tải phát huy tốt nhất lợi thế của mình, kết nối với nhau đẩy mạnh hiệu quả kinh doanh, nhất là giảm chi phí vận tải. Mục tiêu của Sàn giao dịch vận tải là giảm chi phí vận tải, đưa giá cước vận tải về đúng giá trị thực, góp phần kết nối vận tải, giảm thiểu tai nạn giao thông, chống quá tải
Theo Báo Mới.