|
Mặc dù chịu ảnh hưởng sự giảm sâu của ngành khai khoáng, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2015 của Quảng Nam vẫn về đích ấn tượng với mức tăng 34,66%, gấp hơn 5 lần so với năm 2014 và gấp hơn 2 lần so với mức tăng bình quân 15,2% của giai đoạn 2011 – 2015. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 50.000 tỷ đồng, gấp 2,03 lần so với năm 2010, giải quyết việc làm cho 131,5 nghìn lao động.
Việc đóng cửa hai công ty khai thác vàng Bồng Miêu và Phước Sơn đã khiến chỉ số sản xuất ngành khai khoáng năm 2015 giảm gần 53,29%, đặc biệt, ngành khai thác quặng kim loại có chỉ số giảm đến 90,85%, sản lượng quặng vàng và tinh quặng vàng năm 2015 chỉ đạt hơn 44kg, bằng 9% so với năm 2014. Duy chỉ có khai thác cát đá tăng mạnh (61%) nhưng giá trị mang lại thấp.
Bù lại, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định vị thế chủ lực, chiếm 87% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp – chế biến tăng kỷ lục (55,54%). Trong đó, ngành kinh tế mũi nhọn sản xuất và lắp ráp ôtô đạt mức tăng trưởng cao với sản lượng lắp ráp khoảng 76 nghìn chiếc, doanh thu trên 31 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách trên 11 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 7.000 lao động. Ngành dệt may cũng về đích với con số +12% sản lượng và +18,6% về kim ngạch xuất khẩu (170,7 triệu USD) so với năm 2014. Ngành công nghiệp điện tử tăng 48,81%, kim ngạnh xuất khẩu ước đạt 70,6 triệu USD, tăng hơn 35% so với năm 2014. Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác của ngành công thương cũng kết thúc năm 2015 bằng việc về đích đúng kế hoạch. Hai lĩnh vực trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm là ngành sản xuất thực phẩm, nước uống với mức giảm 20,83% và ngành da giày giảm 20,41%, tương ứng với mức giảm 18,3% về giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Trong năm 2015, tổng nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động khuyến công quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là 445 triệu đồng, phục vụ chủ yếu cho đào tạo nghề và hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật…
Như vậy, trong 5 năm (2011 - 2015), sản xuất công nghiệp vẫn tăng trung bình 15,2%/năm. Một số sản phẩm tăng cao so với giai đoạn 2006 – 2010 như dệt may tăng 3 lần, nước giải khát tăng gần 2 lần, gạch men tăng hơn 4 làn, ô tô lắp ráp tăng 2,79 lần. Tổng vốn đầu tư cho ngành công nghiệp trong giai đoạn này ước đạt 37.366 tỷ đồng, tăng bình quân 10,5%/năm (mức đầu tư thấp hơn giai đoạn 2006 – 2010 nhưng mang lại giá trị sản xuất cao hơn). Trên địa bàn tỉnh hiện có 9 khu công nghiệp với 155 dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp (49 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký 1.355,2 triệu USD và 2.978,2 tỷ đồng, sử dụng 36.000 lao động. Hoạt động thương mại, khuyến công được duy trì ổn định và phát triển bền vững. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,628 triệu USD, tăng 17,3%/năm, trong đó, tăng mạnh nhất là dệt may, giày da, linh kiện điện tử, nguyên liệu giấy (hơn 20% mỗi năm), giảm mạnh nhất là kim loại quý (giảm 37%/năm). Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 3,796 triệu USD, tăng 15%/năm chủ yếu là do nhập khẩu thiết bị phục vụ lắp ráp ôtô, nguyên liệu giày da…. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng trung bình 19%/năm đạt 129,724 tỷ đồng.
Mục tiêu năm 2016, ngành Công Thương Quảng Nam đạt giá trị sản xuất 58.600 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu tăng 16%, kim ngạch nhập khẩu tăng 15%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 16% đạt 39.556 tỷ đồng. Phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng cũng như xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, khuyến công phục vụ cho sự phát triển chung của ngành công thương.
Theo Báo Công Thương Điện Tử
|