XK tăng 1 con số
Tăng 3,6% % (tương ứng tăng 205 triệu USD về số tuyệt đối) so với cùng kỳ năm 2015, đạt 5,95 tỷ USD là con số thống kê chính thức về tổng kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam trong 15 ngày đầu tháng 1 mà Tổng cục Hải quan mới công bố. Theo cơ quan này, riêng điện thoại các loại và linh kiện đã chiếm 1,06 tỷ USD, giá trị XK điện thoại và linh kiện của Việt Nam chủ yếu vẫn do đóng góp của khối DN FDI, đặc biệt là Samsung Electronics Việt Nam. Đứng thứ 2 là nhóm hàng dệt may với trị giá kim ngạch 886 triệu USD; tiếp theo là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 584 triệu USD; giày dép các loại 530 triệu USD… Sự góp mặt của những mặt hàng này đã giúp cho XK những ngày qua tăng, dù chỉ là mức tăng thấp.
Trong khi đó, các nhóm mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam vẫn chưa có cơ hội thoát khó của năm 2015. Theo đó, XK gỗ và sản phẩm gỗ, chè, thủy sản đều giảm. Phân tích về nguyên nhân giảm giá của nhóm mặt hàng này, ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, tình hình kinh tế thế giới vẫn còn khó khăn, cộng với sự cạnh tranh gay gắt từ các nước về mặt hàng tôm, gạo… nên XK nhóm hàng nông, lâm, thủy sản vẫn trong xu hướng giảm. Bên cạnh đó, do mải chạy theo số lượng chưa chú ý đến chất lượng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nên giá sản phẩm nông sản của Việt Nam chưa có cơ hội tăng lên. Nếu những năm trước, nhóm hàng này chiếm tỷ trọng trên 25% tổng kim ngạch XK của cả nước thì đến nay con số này chỉ còn khoảng 16%. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho XK năm 2015 không đạt như đúng mục tiêu đề ra và tiếp tục tác động đến kim ngạch XK ngay trong tháng đầu tiên của năm 2016.
Với xu hướng này, ông Phương dự báo, XK tháng 1 cũng chỉ tương đương với cùng kỳ năm trước (tháng 1-2015, XK “mấp mé” con số 13 tỷ USD). Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa XK tháng 1 ước tính đạt 13,8 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2015 (so với tháng trước tăng 0,5%) trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 4,1 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 9,7 tỷ USD.
Chưa nhìn thấy đột biến
Trong bối cảnh XK năm 2015 không đạt mục tiêu 10% như Quốc hội đề ra, sự tăng trưởng của XK trong tháng 1 cũng là một sự “động viên” không nhỏ. Tuy nhiên, ông Lê Quốc Phương cho rằng, nếu chỉ nhìn vào con số của 1 tháng để phân tích, dự báo thì không chính xác và không nhiều ý nghĩa. Bởi mức tăng của tháng 1 có yếu tố thời vụ rất cao. Dịp Noel, tết Dương lịch, các nước có nhu cầu tiêu dùng tăng cao với những mặt hàng như điện thoại di động. Chính vì thế, XK mặt hàng này mới tăng cao như vậy.
Trên thực tế, trong những ngày đầu tiên của năm 2016, bức tranh XNK của nước ta vẫn chưa có gì thay đổi. XK vẫn đậm nét tương đồng với đặc điểm của cả năm 2015: XK tăng nhờ khối DN FDI, hàng công nghệ chế biến (đặc biệt là điện thoại các loại và linh kiện điện thoại) vẫn là động lực chính, XK vẫn chứng kiến sự sụt giảm cả giá và lượng của nhóm hàng nông sản… Những đặc điểm này vẫn sẽ tồn tại trong thời gian tiếp theo, chứ chưa thể có đột biến. Ông Phương phân tích, trong các nhóm hàng của Việt Nam, có đến 2 nhóm hàng là nông sản, nhiên liệu, khoáng sản giảm, chỉ còn nhóm hàng công nghiệp là tăng song nhóm hàng này sau thời gian tăng nhanh (từ năm 2011 XK điện thoại bắt đầu nổi lên) đến nay vẫn tăng nhưng không có mặt hàng nào có thể “tăng vọt” như “hiện tượng” XK điện thoại.
Đây cũng là nhận định của nhiều vị chuyên gia cũng như các bộ, ngành khi đánh giá về XNK. Do không nhìn thấy yếu tố mang tính đột biến nên các chuyên gia đều cho rằng, XK năm 2016 khó khăn không kém năm 2015, dù Quốc hội đưa ra chỉ tiêu cho ngành Công Thương trong năm 2016 là XK tăng 10%. Đặc biệt, nhập siêu trong năm 2016 có thể tăng do kinh tế bắt đầu hồi phục, đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng để đón đầu các Hiệp định thương mại tự do.
Muốn đạt được mục tiêu, điểm mấu chốt vẫn là tháo gỡ khó khăn cho các DN XNK, cho các ngành hàng, nhất là những ngành hàng đang gặp khó khăn về thị trường, bị cạnh tranh gay gắt như hàng nông sản. Việc tháo gỡ khó khăn cần bắt đầu từ việc cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Bởi lẽ hiện có không ít thủ tục liên quan đến hoạt động XNK đang là rào cản làm giảm sức cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam.
Theo báo Hải Quan.