Nhiều thành tựu
Có thể thấy, giai đoạn 2011-2015, công tác cải cách, hiện đại hóa hải quan được đã được đổi mới từ những cải cách về thể chế, thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan, quản lý thuế, kiểm soát hải quan… ngành Hải quan đã nâng cao mức độ chuyên nghiệp, chuyên sâu trong thực hiện các hoạt động nghiệp vụ hải quan. Giai đoạn 2011-2015 đã hình thành hệ thống văn bản pháp luật cơ bản đầy đủ điều chỉnh các lĩnh vực hoạt động hải quan, đảm bảo hoàn thành mục tiêu, đồng thời đáp ứng các yêu cầu mới phát sinh. Với Luật Hải quan 2014, có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, khung khổ pháp lý về hải quan cơ bản bảo đảm đầy đủ, đồng bộ, nội luật hoá các chuẩn mực quốc tế theo lộ trình cam kết, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, bổ sung những quy định của pháp luật quốc gia phù hợp với yêu cầu thực tiễn quản lý của hải quan nhằm phục vụ cải cách, hiện đại hoá theo Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020. Đặc biệt, việc thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức điện tử cũng lần đầu tiên được luật hóa trong Luật Hải quan. Với việc thực hiện Hệ thống VNACCS/VCIS, toàn Ngành đã về đích sớm trong mục tiêu thực hiện thủ tục hải quan điện tử do Chính phủ và Bộ Tài chính đặt ra. Từ nền tảng về khung khổ pháp lý và thực tiễn triển khai VNACCS/VCIS đã thúc đẩy Hải quan Việt Nam triển khai mạnh mẽ hàng loạt cải cách khác như: Triển khai chính thức Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật Cơ chế một cửa ASEAN; ứng dụng mã vạch trong kiểm soát container; thực hiện Đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK; triển khai phối hợp giám sát đối với hàng hóa XNK giữa cơ quan Hải quan và DN kinh doanh cảng; đẩy mạnh phối hợp thu, nộp ngân sách bằng phương thức điện tử qua ngân hàng thương mại; đưa vào hoạt động Phòng giám sát hải quan trực tuyến… Cùng với đó, toàn Ngành còn chú trọng hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ như đầu tư các hệ thống máy soi container; hệ thống máy đọc mã vạch; camera giám sát… Những kết quả này đã góp phần tạo nên diện mạo mới về môi trường sản xuất, đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Thủ tục hải quan “mọi nơi, mọi lúc, mọi phương tiện”
Trên cơ sở những kết quả đạt được trong giai đoạn 2011-2015, Tổng cục Hải quan đang xây dựng kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa giai đoạn 2016-2020, với nhiều mục tiêu cao hơn. Trong đó, dự kiến những mục đích chiến lược của ngành Hải quan là tạo thuận lợi và kiểm soát trong thực hiện quản lý hải quan đối với DN, tổ chức cá nhân nhằm thúc đẩy an ninh và tạo thuận lợi thương mại quốc tế; đảm bảo nguồn thu; bảo vệ an ninh, an toàn xã hội và sức khỏe cộng đồng. Trong đó, mô hình thủ tục hải quan điện tử được tiếp tục hoàn thiện theo hướng tăng cường phương thức điện tử, giảm tỷ lệ can thiệp, giảm thủ tục, giấy tờ và thời gian xử lý hướng đến thủ tục hải quan được thực hiện “mọi nơi, mọi lúc, mọi phương tiện”.
Có thể thấy, năm 2015 ngành Hải quan đã có được những tiền đề quan trọng trong việc thúc đẩy việc kết nối đồng bộ, đầy đủ trong và ngoài Ngành để tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động XNK, giảm thời gian thông quan hàng hóa. Chính vì vậy, một mục tiêu quan trọng ngành Hải quan sẽ hướng đến là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về hải quan trên cơ sở thúc đẩy trao đổi thông tin và hợp tác với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước có liên quan trong thực hiện các hoạt động quản lý Nhà nước về hải quan. Mục đích chiến lược tiếp theo là nâng cao năng lực của cơ quan Hải quan các cấp theo hướng từng bước xây dựng cơ quan Hải quan điện tử dựa trên mô hình kiến trúc bộ, ngành điện tử để thực hiện yêu cầu của Chính phủ về triển khai Chính phủ điện tử.
Để thực hiện các mục tiêu chiến lược đã được hình thành, ngành Hải quan dự kiến xây dựng các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó mấu chốt đầu tiên là tiếp tục hoàn thiện mô hình thủ tục hải quan điện tử với trọng tâm là nâng cấp và hoàn thiện Hệ thống VNACCS/VCIS trên cơ sở tích hợp các hệ thống phần mềm nghiệp vụ hỗ trợ vào hệ thống CNTT nghiệp vụ hải quan thống nhất, tập trung. Tiếp đến, ngành Hải quan sẽ áp dụng sâu rộng kỹ thuật quản lý rủi ro trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ gồm kiểm tra, giám sát hải quan, kiểm soát hải quan, thanh tra chuyên ngành; triển khai hiệu quả quản lý tuân thủ; áp dụng các biện pháp khuyến khích tuân thủ tự nguyện, hướng đến môi trường tự nguyện tuân thủ pháp luật trong cộng đồng DN XNK. Bên cạnh đó tập trung tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại bằng việc đẩy mạnh triển khai các hoạt động kiểm tra sau thông quan cả về số lượng, chất lượng; nâng cao năng lực thực thi hoạt động kiểm soát chống buôn lậu cho lực lượng kiểm soát toàn ngành Hải quan.
Đặc biệt, trong thời gian tới ngành Hải quan sẽ kiện toàn, sắp xếp lại, từng bước đổi mới cơ cấu của các cơ quan Hải quan các cấp theo lộ trình triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức bộ máy; đảm bảo phù hợp và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo từng giai đoạn, theo yêu cầu cải cách hành chính, cải cách hiện đại hóa hải quan và định hướng triển khai chính phủ điện tử. Bên cạnh đó Ngành tiếp tục đẩy mạnh quan hệ đối tác Hải quan-DN; quan hệ hợp tác, hội nhập quốc tế giữa Hải quan với các bộ, ngành, cơ quan Chính phủ, Hải quan các nước trong khu vực và trên thế giới. Từng bước đổi mới hoạt động quản lý, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
Những mục tiêu dự kiến đặt ra trong giai đoạn 2016-2020 sẽ tạo dựng nên hình ảnh Hải quan Việt Nam đến năm 2020 (theo Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020), là xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại, có cơ chế, chính sách đầy đủ, minh bạch, thủ tục hải quan đơn giản, hài hòa đạt chuẩn mực quốc tế, trên nền tảng ứng dụng CNTT, xử lý dữ liệu tập trung và áp dụng rộng rãi phương thức quản lý rủi ro, đạt trình độ tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á. Xây dựng lực lượng Hải quan đạt trình độ chuyên nghiệp, chuyên sâu có trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả góp phần tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại hợp pháp, phát triển du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài, đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và nghĩa vụ hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Theo báo Hải Quan.