Báo cáo ngày 22/2 của SE - Bộ Kinh tế Mexico cho biết, trong năm 2015, luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ Latinh này đạt trên 28,38 tỷ USD, tăng gần 26% so với năm 2014.
Tài liệu của SE chỉ rõ, tổng mức FDI của Mexico trong vòng hơn ba năm dưới thời Tổng thống đương nhiệm Enrique Peña Nieto lên tới 99,7 tỷ USD, tăng 61% so với con số 61,8 tỷ USD cùng thời kỳ của Tổng thống tiền nhiệm Felipe Calderon, và là con số cao nhất trong nhiều thập niên qua.
Mức tăng FDI chủ yếu nhờ thương vụ công ty Mỹ AT&T mua lại hai doanh nghiệp viễn thông Mexico là Iusacell và Unefon với giá trên 2 tỷ USD, và công ty Owens-Illinois cũng của Mỹ mua lại doanh nghiệp sản xuất bao bì Vitro của Mexico với giá 2,15 tỷ USD.
Ngành công nghiệp chế tạo tiếp tục dẫn đầu về thu hút dòng vốn FDI của Mexico trong năm qua, chiếm tới 50% tổng số vốn FDI, tiếp theo là dịch vụ tài chính (chiếm 10%), thông tin (9,8%), thương mại (9%), xây dựng (7,3%). Trong khi đó, Mỹ là quốc gia đứng đầu về số vốn đầu tư vào Mexico với 53% tổng vốn, tiếp theo là Tây Ban Nha (với gần 10%), Nhật Bản (4,7%); Đức (4,3%), Canada (3,8%) và 74 quốc gia còn lại chiếm 24,5%.
Theo đánh giá của công ty tư vấn quốc tế Pricewaterhousecoopers (PwC), sai hai năm vắng bóng, Mexico đã trở lại nhóm 10 nền kinh tế hấp dẫn nhất trên thế giới cho dòng vốn FDI trong năm 2015, và vị trí này có thể giữ vững trong nhiều năm tới sau khi công cuộc đại cải cách của Tổng thống Enrique peña Nieto đi vào đời sống xã hội Mexico./.
Theo TTXVN/VIETNAM+