Các lô vải thiều tươi xuất khẩu bằng đường hàng không sẽ được miễn hoàn toàn phí kiểm dịch thực vật.
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa yêu cầu các đơn vị không thu phí kiểm dịch thực vật đối với các lô quả vải tươi xuất khẩu bằng đường hàng không trong mùa vụ 2016.
Theo ông Lê Nhật Thành – Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cơ quan này vừa có cuộc họp với các bên liên quan và quyết định sẽ không thu phí kiểm dịch thực vật với quả vải tươi xuất khẩu bằng đường hàng không. Cục cũng yêu cầu các đơn vị bố trí nhân lực, thiết bị để ưu tiên công tác kiểm dịch cho quả vải xuất khẩu nhanh nhất.
Theo ông Thành, do tình hình thời tiết nên mùa vải năm nay đến muộn hơn 10-15 ngày, dự kiến ngày 15/6 tới, vải sẽ vào chính vụ. Đây cũng là năm đầu tiên Trung tâm chiếu xạ tại Hà Nội chính thức được đưa vào hoạt động, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí vận chuyển nội địa đưa vải vào TP HCM chiếu xạ.
Hiện mẫu bao bì đóng gói vải sau chiếu xạ đã được Trung tâm chiếu xạ Hà Nội gửi sang Cơ quan kiểm dịch Australia và đang chờ phản hồi từ phía đối tác. Riêng với thị trường Mỹ, ngày 14/6 tới một đoàn chuyên gia của Mỹ sẽ sang làm việc với Trung tâm chiếu xạ Hà Nội và Cục Bảo vệ thực vật để xem xét cấp mã số đi Mỹ cho quả vải Việt từ phía Bắc.
Năm nay là năm thứ 2 quả vải Việt được xuất khẩu đi Mỹ, Australia, nhưng do đây là hai thị trường khó tính, nên vải thiều xuất khẩu sang các thị trường này phải đảm bảo các tiêu chí ngặt nghèo của đối tác về chất lượng quả, kiểm dịch thực vật, chiếu xạ…
“Vải là trái cây có tính thời vụ, nên với tiêu chí “ưu tiên quả vải đi trước” chúng tôi sẽ tạo điều kiện hết sức để doanh nghiệp xuất khẩu quả vải sang các thị trường này thuận lợi nhất, không để vì chậm một khâu mà công sức lâu nay của bà con nông dân, doanh nghiệp đổ bể”, đại diện Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh.
Theo báo cáo của tỉnh Bắc Giang, dự kiến tổng sản lượng vải thiều mùa vụ 2016 đạt 130.000 tấn, trong đó 40% dành cho xuất khẩu. Riêng huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) được Mỹ cấp 15 mã vùng trồng vải cho hơn 200 hộ dân với 158 ha theo tiêu chuẩn GlobalGap được trồng, chăm sóc dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng. Sản lượng dự kiến khoảng 1.000 tấn đảm bảo điều kiện xuất khẩu sang nhiều thị trường.
Ngoài ra, vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap đạt 12.560 ha, sản lượng dự kiến đạt khoảng 53.000 tấn, đáp ứng nhu cầu sử dụng quả vải chất lượng cao.
Theo VnExpress.