|
Ngày 7-7, tại hội nghị bàn tròn với các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-Chi nhánh TP.HCM và Cục Hải quan TP.HCM tổ chức, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp đã nêu nhiều bất cập trong công tác kiểm tra chuyên ngành hiện nay.
Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI Chi nhánh TP.HCM cho rằng, kiểm tra chuyên ngành đang là một trong những nội dung bức xúc của các doanh nghiệp XNK trong thời gian qua. Để tháo gỡ vướng mắc này cho các DN, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả đối với hoạt động kiểm tra chuyên ngành hàng hóa XNK, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2926/QĐ-TTg chỉ đạo các bộ, ngành chung tay tháo gỡ các vướng mắc.
Theo ông Liêm, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2926/QĐ-TTg vào tháng 11-2015 yêu cầu các bộ ngành sửa đổi các văn bản liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, nhưng đến nay số văn bản các bộ, ngành sửa đổi theo yêu cầu của Thủ tướng còn quá ít, trong đó có những văn bản sửa đổi nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Vậy những danh mục văn bản nào không cần thiết các doanh nghiệp có ý kiến đề nghị bỏ, văn bản nào có nội dung chưa phù hợp thì các DN có ý kiến sửa đổi bổ sung cho phù hợp.
Theo đề xuất của ông Liêm, ngoài việc đặt hàng của VCCI đối với các đánh giá, nhận xét của các chuyên gia nước ngoài thuộc các tổ chức hiệp hội, các hiệp hội nên rà soát theo hướng “cầm tay, chỉ việc” cho các bộ, ngành trong việc bỏ, sửa đổi văn bản bất hợp lý hiện nay.
Phân tích về các vướng mắc DN thường gặp hiện nay, ông Đặng Thái Thiện, Phó Trưởng phòng Giám sát quản lý- Cục Hải quan TP.HCM cho rằng, các DN đang gặp vướng mắc nhiều liên quan đến nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng; dán nhãn năng lượng, kiểm định xe cơ giới, an toàn vệ sinh thực phẩm…
Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội DN đã nêu nhiều bất cập trong công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu. Trong đó, bất cập nhiều nhất là việc kiểm tra chuyên ngành đối với vải mẫu nhập khẩu; máy móc đã qua sử dụng; dán nhãn năng lượng…
Nêu chi tiết quy trình thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với mặt hàng thép nhập khẩu, đại diện Hiệp hội Cơ khí điện TP.HCM bứa xúc cho rằng, hiện nay DN muốn nhập khẩu thép phải có xác nhận nhu cầu của Sở Công Thương TP.HCM, thời gian là 5 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ. Sau đó, DN phải nộp bản kê thép nhập khẩu, giấy chứng nhận đó cho Bộ Công Thương để được cấp danh mục thép nhập khẩu, thời gian mất 5 ngày. Sau đó, DN đăng kí kiểm định tại Trung tâm 3, mỗi lần kiểm tra mất 2,5 triệu đồng cho 3 mẫu thép. Trong khi đó, DN làm thủ tục hải quan tại cảng vừa đăng kí vừa kiểm tra chỉ mất vỏn vẹn có 1 ngày.
Liên quan đến vướng mắc về nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng, các DN cho rằng quy định hiện nay đang làm khó DN. DN mua được máy cũ nhưng máy mới không mua nổi khiến DN điêu đứng. Khi DN nhập khẩu phải tính toán cân nhắc rất kĩ, không DN nào lại NK máy móc về để không sử được cả.
Về dán nhãn năng lượng của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Viết Toàn, Hiệp hội tự động hóa TP.HCM cho rằng đang gặp vướng mắc về dán nhãn năng lượng đối với thiết bị là mô tơ điện nhập khẩu DN phải đi lại nhiều lần với thủ tục phức tạp, tốn nhiều thời gian và chi phí.
Vấn đề được các DN đề cập nhiều nhất là vướng mắc liên quan đến kiểm tra formaldehyde đối với vải nhập khẩu theo Thông tư 37 của Bộ Công Thương. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư kí Hiệp hội dệt may Việt Nam cho rằng: Trong thời gian qua, các DN vướng rất nhiều về kiểm tra hàm lượng formaldehyde. Hiện nay, vải mẫu 1 mét cũng bị kiểm tra, không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp về tài chính mà còn kéo dài thời gian thông quan hàng hóa. Bà Mai cho biết, các DN dệt may kiến nghị, Bộ Công Thương nên có hướng dẫn cụ thể để các lô vải mẫu không bị kiểm tra, đồng thời quy định cụ thể tiêu chí đối với hàng mẫu.
Liên quan đến kiểm dịch thực vật, Hiệp hội Dệt may cũng đề nghị bỏ kiểm dịch và hun trùng đối với lông vũ lông gia cầm đã qua xử lý khi nhập khẩu về Việt Nam, lông gấu vào áo bỏ kiểm dịch, hun trùng và giám định sinh thái. Đối với hàng gia công SXXK, cho kiểm dịch luôn khi DN mở tờ khai hải quan, nếu như vậy chỉ sau 3 ngày mở tờ khai DN có thể thông quan hàng hóa được ngay.
Đại diện Hiệp hội rau quả TP.HCM cho rằng, Luật An toàn vệ sinh thực phẩm quy định kiểm tra cả sản phẩm xuất khẩu “DN phải được tập huấn và cấp giấy chứng nhận về tập huấn an toàn thực phẩm”. Trên thực tế, khi DN xuất khẩu hàng phải tuân thủ theo quy định tại thị trường nhập khẩu. Về kiểm tra chất lượng hàng xuất khẩu, máy móc của các công ty kiểm định không đủ điều kiện công nghệ để kiểm tra các chất tồn dư trong sản phẩm xuất khẩu, trong khi đó, tại nước NK, họ có đầy đủ máy móc để kiểm tra sản phẩm trước khi cho phép nhập khẩu vào nước họ.
Các DN không bác bỏ việc kiểm tra chuyên ngành mà cần có những giải pháp kiểm tra cho phù hợp, tránh thiệt hại, khó khăn cho DN trong hoạt động XNK hàng hóa, sản xuất kinh doanh.
Các DN kiến nghị ngoài việc các cơ quan kiểm tra chuyên ngành nên có quy định cụ thể, các cơ quan này nên áp dụng quản lý rủi ro đối với hàng hóa kiểm tra chuyên ngành giống như việc quản lý rủi ro của cơ quan Hải quan; áp dụng việc công nhận lẫn nhau giữa các nước; các thương hiệu nổi tiếng của các nước tiên tiến.
Các DN cho rằng, Chính phủ phải giải quyết các vấn đề kiểm tra chuyên ngành, chứ để cho các bộ, ngành kiểm tra chuyên ngành rà soát, sửa đổi thì rất khó bởi cơ quan nào cũng bảo vệ ý kiến của mình, không sửa đổi theo kiến nghị của DN.
Theo báo Hải Quan.
|