Quy định về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu gây khó khăn về thủ tục giấy tờ, kéo dài thời gian thông quan và trở thành gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Ngày 18/8, trong buổi làm việc giữa đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng đoàn với Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh về tình hình kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị các bộ ban ngành cần rà soát lại toàn bộ thủ tục hành chính, văn bản pháp luật trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành. Từ đó đưa ra giải pháp, kiến nghị cụ thể để sớm khắc phục những bất cập, vướng mắc hiện đang gây cản trở sự phát triển của doanh nghiêp.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, mục đích chung của Chính phủ và các bộ ngành, đúng như tinh thần Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 – 2017, định hướng đến năm 2020 là đề ra giải pháp hữu hiệu, xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh và hiệu quả. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng lắng nghe và cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp phát triển và hội nhập bền vững.
Tại buổi làm việc, nhiều bất cập được nêu ra để các bộ, ngành cùng bàn giải pháp tháo gỡ, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh thẳng thắn nhìn nhận, quy định về kiểm tra chuyên ngành hiện nay đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thực sự gây khó khăn về thủ tục giấy tờ, kéo dài thời gian thông quan hàng hóa và trở thành gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Quy định về kiểm tra chuyên ngành cũng gây khó khăn đối với cơ quan hải quan. Giải pháp ngành hải quan Thành phố đề xuất là cần thu hẹp danh mục hàng hóa nhập khẩu cần thiết phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan và chỉ kiểm tra đối với hàng hóa nhập khẩu nhằm mục đích kinh doanh.
Ông Đinh Ngọc Thắng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị, Chính phủ trình Quốc hội cho phép xây dựng một luật để sửa đổi một số luật liên quan đến kiểm tra chuyên ngành để kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu có trọng tâm, trọng điểm. Kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, chỉ kiểm tra các chỉ tiêu liên quan đến an toàn thực phẩm; mở rộng phương thức trước khi nhập khẩu; miễn kiểm tra đối với hàng hóa nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại vì không khả thi và không hiệu quả, chỉ kiểm tra khi có sự lợi dụng hình thức này để nhập khẩu.
Đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp cũng nêu rõ bất cấp trong công tác kiểm tra liên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, đồng thời đề xuất kiến nghị nhằm thay đổi các phương thức, quy trình kiểm tra để tiết kiệm thời gian, chi phí… tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Theo ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, cần xem xét công nhận chữ ký của Đại lý Hải quan. Một bất cập rất lớn hiện nay trong lĩnh vực logistics là các doanh nghiệp đã được Tổng cục Hải quan công nhận là Đại lý Hải quan, công nhận chữ ký của doanh nghiệp, nhưng các cơ quan quản lý chuyên ngành thì không công nhận.
Trong khi đó, đại diện Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, thông tư của Bộ Khoa học và Công nghệ việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng gây rào cản lớn cho doanh nghiệp. Đối với ngành chế tạo – cơ khí, các máy móc là những máy đơn lẻ, khác với dây chuyền tự động trong lịnh vực khác, nên tuổi thọ 20 – 30 năm vẫn sử dụng tốt. Nếu vướng rào cản này, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ mất đi cơ hội phát triển.
Theo báo Tin tức.