Trong khi 2 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực là gạo và sắn sụt giảm mạnh về kim ngạch thì nhiều nhóm hàng nông sản quan trọng khác đang lấy lại đà tăng trưởng, mạnh mẽ nhất là sự lên ngôi của rau quả.
Ấn tượng rau quả, hạt điều
Trong các nhóm hàng xuất khẩu thuộc lĩnh vực nông nghiệp, mặt hàng tiếp tục duy trì vị thế xuất khẩu số 1 là thủy sản với trị giá kim ngạch đạt 6,058 tỷ USD (theo thông tin cập nhật của Tổng cục Hải quan đến 15-11), tăng 381 triệu USD so với cùng kỳ 2015.
Tuy nhiên, nhóm hàng trong lĩnh vực nông nghiệp có mức tăng ấn tượng là rau quả đạt 2,083 tỷ USD, với con số tăng tuyệt đối 485 triệu USD, tương đương hơn 30% so với cùng kỳ 2015.
Đây cũng là một trong những nhóm hàng xuất khẩu “tỷ USD” có mức tăng cao nhất của cả nước. Với trị giá kim ngạch kể trên, mặt hàng rau quá tăng từ vị trí thứ 5 lên đứng ở vị trí thứ 4 trong số các nhóm hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta.
Bên cạnh 2 nhóm hàng kể trên, hạt điều và cà phê cũng là nhưng nhóm hàng nông sản xuất khẩu ấn tượng. Trong đó, hạt điều đạt trị giá kim ngạch 2,464 tỷ USD, tăng 866 triệu USD so với cùng kỳ năm 2015. Một điều đáng mừng khác đối với nhóm hàng nông sản chủ lực này là giá trị bình quân cũng tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, giá điều xuất khẩu bình quân năm nay đạt 8.078 USD/tấn, tăng gần 11% so với cùng kỳ (cùng kỳ bình quân đạt 7.285 USD/tấn).
Ngày 28-11, ông Đặng Hoàng Giang- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam đánh giá tình hình xuất khẩu điều năm nay sáng sủa. Mức giá xuất khẩu bình quân được xem là cao nhất trong lịch sử của ngành Điều.
“Năm nay mục tiêu xuất khẩu nhân điều đạt 2,5 tỷ USD, tăng 200 triệu USD so với năm 2015. Nhưng với kết quả như hiện nay khả năng xuất khẩu sẽ vượt mục tiêu”- Ông Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam chia sẻ thêm, hiện nay sản phẩm của ngành Điều Việt Nam có mặt ở hơn 90 quốc gia, vùng lãnh thổ. Lớn nhất là thị trường Hoa Kỳ, tiếp theo là EU, Trung Quốc…
Đối với mặt hàng cả phê, dù tăng mạnh cả về sản lượng và trị giá nhưng giá bình quân lại thấp hơn cùng kỳ (do sản lượng tăng cao hơn trị giá-PV). Cụ thể, sản lượng cà phê xuất khẩu đạt 1,568 triệu tấn, tăng gần 38,8%, trong khi trị giá đạt 2,866 tỷ USD, chỉ tăng 25,4%. Do đó, mức giá bình quân xuất khẩu chỉ đạt 1.827 USD/tấn, trong khi cùng kỳ 2015 đạt 2.022 USD/tấn.
Sắn mất vị trí “tỷ USD”
Nhiều năm qua, gạo luôn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta và cùng với mặt hàng thủy sản luôn song hành ở 2 vị trí dẫn đầu về xuất khẩu nông lâm thủy sản. Đến trung tuấn tháng 11-2015, gạo vẫn vững vàng ở vị trí thứ 2 về xuất khẩu nông sản với trị giá kim ngạch đạt 2,465 tỷ USD.
Nhưng đến thời điểm 15-11-2016, trị giá kim ngạch xuất khẩu gạo giảm tới 504 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoài, chỉ đạt con số 1,961 tỷ USD. Và mặt hàng chủ lực này rơi xuống vị trí thứ 5 trong số các nhóm hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, không chỉ đứng sau thủy sản mà còn thua cả rau quả, hạt điều, cả phê.
Có lẽ điều an ủi duy nhất cho mặt hàng gạo trong thời điểm này là giá xuất khẩu bình quân đạt cao hơn cùng kỳ năm 2015, với mức 449 USD/tấn, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 425 USD/tấn.
Cùng với gạo, mặt hàng sắn và sản phẩm từ sắn cũng có mức sụt giảm mạnh về trị giá kim ngạch so với cùng kỳ từ mức 1,144 tỷ USD của năm 2015 (tính đến 15-11) xuống còn 853 triệu USD và rời khỏi danh sách nhóm hàng xuất khẩu “tỷ USD” của nông sản.
Đáng buồn hơn khi mặt hàng sắn và sản phẩm sắn không chỉ sụt giám về tổng giá trị kim ngạch mà mức giá xuất khẩu trung bình cũng giảm mạnh tới 40 USD/tấn (cùng kỳ 2015 bình quân đạnh 322 USD/tấn, trong khi năm 2016 chỉ đạt 272 USD/tấn).
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, đến 15-11, 9 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp (thủy sản, cà phê, hạt điều, gạo, rau quả, chè, hạt tiêu, sắn và sản phẩm từ sắn, cao su) đạt tổng giá trị kim ngạch 19,144 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ 2015, chiếm gần 13% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cả nước trong cùng thời điểm.
Theo baohaiquan.vn