|
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang các thị trường trong 11 tháng đầu năm 2016 lên 2,18 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó riêng tháng 11 đạt 190,99 triệu USD, tăng 8,4% so với tháng 10/2016.
Hiệp hội Rau quả ước tính cả năm 2016 xuất khẩu rau quả đạt trên 2,4 tỷ USD, tăng trên 30% so với năm 2015 và vượt kế hoạch xuất khẩu của Bộ Công Thương đề ra (2,2 tỷ USD).
Năm 2016, ngành rau quả Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng mạnh, do đã dỡ bỏ được hàng rào kỹ thuật cho 5 mặt hàng sang 4 thị trường gồm: xoài đi Australia, thanh long đi Đài Loan (Trung Quốc), nhãn và vải đi Thái Lan, hạt điều đi Peru. Như vậy, rau quả Việt Nam đã mở rộng thị trường xuất khẩu lên trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó riêng trái cây chiếm 40%. Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm nay các đơn vị trực thuộc Cục đã kiểm dịch các loại hoa quả tươi xuất khẩu đi các thị trường khó tính đạt trên 10.500 tấn, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2015. Cụ thể, thanh long sang Mỹ tăng gấp đôi, nhãn tăng 5,25 lần; xoài sang Hàn Quốc tăng gấp 2 lần so với năm 2015... Đài Loan (Trung Quốc) đã chính thức mở cửa trở lại cho quả thanh long Việt Nam và đến nay đã xuất khẩu hơn 100 tấn.
Các thị trường chủ đạo của rau quả xuất khẩu Việt Nam gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hà Lan, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan... Trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại rau quả của Việt Nam, đạt 1,52 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2016, chiếm 70,1% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiếp đến thị trường Hàn Quốc, đạt 77,27 triệu USD, tăng 20,5%, chiếm 3,5%. Hoa Kỳ là thị trường thứ ba về kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt 76,41 triệu USD, chiếm 3,5%, tăng 32,7%.
Nhìn chung, trong 11 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang hầu hết các thị trường đều đạt mức tăng trưởng dương về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2015, một số thị trường có mức tăng trưởng khá gồm: sang Anh tăng 32%; Australia tăng 28%; sang UAE tăng 29,1%.
Năm 2017, dự kiến Australia sẽ mở cửa tiếp cho thanh long, Nhật Bản mở cửa cho thanh long ruột đỏ và Hoa Kỳ mở cửa cho quả vú sữa của Việt Nam. Việc rau quả Việt Nam ngày càng được chấp nhận tại nhiều thị trường thế giới chứng tỏ chất lượng sản phẩm đã ngày càng được gia tăng. Điều này đồng nghĩa nhận thức của người dân trong việc tổ chức sản xuất với các quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP… ngày càng cao. Điều này kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu hoa quả Việt Nam sẽ tiếp tục có cơ hội tăng trưởng.
Số liệu thống kê sơ bộ của TCHQ xuất khẩu rau quả 11 tháng đầu năm 2016
ĐVT: USD
Thị trường |
T11/2016 |
11T/2016 |
+/-(%)11T/2016 so với cùng kỳ |
Tổng kim ngạch |
190.996.370 |
2.181.981.678 |
+23,5 |
Trung Quốc |
128.145.819 |
1.529.980.534 |
+29,2 |
Hàn Quốc |
6.043.856 |
77.274.271 |
+20,5 |
Hoa Kỳ |
8.561.050 |
76.410.557 |
+32,7 |
Nhật Bản |
6.192.845 |
68.464.125 |
+0,16 |
Hà Lan |
4.350.492 |
50.315.735 |
+27,5 |
Malaysia |
4.153.310 |
43.364.229 |
+22,1 |
Đài Loan |
5.183.747 |
41.520.948 |
+11,9 |
Thái Lan |
3.532.361 |
36.280.435 |
+22,1 |
Singapore |
2.450.493 |
25.487.276 |
+11,2 |
Australia |
3.492.394 |
23.901.023 |
+28,0 |
Nga |
1.786.819 |
20.565.392 |
-5,8 |
UAE |
2.021.117 |
20.376.718 |
+29,1 |
Canada |
1.355.196 |
15.436.397 |
+8,5 |
Hồng Kông |
2.148.801 |
11.383.324 |
-45,1 |
Pháp |
1.202.253 |
11.133.875 |
+19,9 |
Đức |
1.016.014 |
10.169.545 |
-10,8 |
Indonesia |
117.848 |
8.670.506 |
+10,2 |
Anh |
567.236 |
8.137.435 |
+32,0 |
Lào |
624.004 |
5.310.445 |
-22,6 |
Italy |
417.855 |
4.632.062 |
+15,0 |
Campuchia |
59.983 |
1.873.937 |
-262,6 |
Cô Oét |
|
1.722.269 |
-123,0 |
Ucraina |
186.435 |
952.017 |
+4,9 |
Theo Vinanet.
|