Tại Quyết định 2026/QĐ-TTg, thời hạn để các bộ, ngành hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quản lý chuyên ngành, KTCN vào quý IV-2015 và quý I-2016. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến 30-11-2016 có 365 văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý chuyên ngành, KTCN đối với hàng hóa XNK do các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước ban hành, trong đó có: 22 Luật, pháp lệnh; 90 Nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 253 Thông tư, quyết định của các bộ, ngành liên quan đến các lĩnh vực KTCN về kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa; kiểm tra an toàn thực phẩm; kiểm dịch; kiểm tra văn hóa; các quy định về cấp giấy phép XNK, điều kiện XNK hàng hóa.... Tính đến 25-11-2016, còn 63/87 văn bản chưa được sửa đổi, bổ sung thay thế.
Theo ông Ngô Minh Hải-Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), thực tiễn cho thấy công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá nhập khẩu thời gian qua vẫn đang là trở ngại lớn, kéo dài thời gian thông quan hàng hóa và làm tăng chi phí của DN. Theo ông Hải, nguyên nhân căn bản là đối tượng kiểm tra, cách thức kiểm tra, phương pháp kiểm tra chưa có nhiều thay đổi dẫn đến số lượng hàng hóa phải kiểm tra nhiều, thời gian kéo dài.
Một trong những văn bản có ảnh hưởng lớn đến số lượng hàng hóa phải kiểm tra khi thông quan là Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007, tại khoản 4 Điều 34 Luật này quy định: “Hàng hóa nhập khẩu thuộc nhóm 2 (sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an tòan) phải được kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu…”. Theo quy định tại Điều 5 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Điều 3 của Nghị định 132/2008/NĐ-CP ngày 31-12-2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đến nay hầu hết các bộ, ngành đều đã ban hành danh mục hàng hóa nhóm 2. Như vậy mặt hàng thuộc đối tượng phải kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu là rất nhiều.
Hay khoản 1b Điều 38 của Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định “Thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu phải được cấp Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu đối với từng lô hàng của các cơ quan kiểm tra được chỉ định”. Theo quy định của Điều này thì hầu các lô hàng NK thuộc các nhóm hàng trên đều phải thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm.
Bộ Khoa học và Công nghệ có Thông tư 01/2009/TT-BKHCN năm 2009, Thông tư 27/2012/TT-BKHCN năm 2012, Quyết định 1171/QĐ-BKHCN năm 2015 quy định: Hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng kiểm tra nhà nước về chất lượng (nhóm 2) chỉ được thông quan khi cơ quan kiểm tra ra Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa NK đáp ứng yêu cầu chất lượng. Bộ Công Thương có Thông tư 48/2011/TT-BCT năm 2011 và Thông tư 08/2012/TT-BCT năm 2012 quy định hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu phải được kiểm tra khi NK và việc miễn, giảm kiểm tra chất lượng… phải có sự đồng ý của Bộ Công Thương. Hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Thông tư 34/2014/TT-BNNPTNT năm 2014 quy định tất cả các lô hàng muối nhập khẩu đều được kiểm tra, đánh giá về chất lượng khi nhập khẩu. Thông tư 14/2010/TT-BXD năm 2010 của Bộ Xây dựng quy định phải cung cấp cho Hải quan cửa khẩu khi làm thủ tục gạch ốp lát Bản chứng nhận hợp quy và kết quả thử nghiệm chất lượng mẫu đại diện lô sản phẩm, hàng hóa gạch ốp lát tại cửa khẩu phù hợp với quy định...
Theo ông Hải, những giải pháp mới đối với công tác KTCN vẫn chưa được chú trọng áp dụng. Việc KTCN thực hiện chủ yếu bằng phương thức thủ công, chưa áp dụng rộng rãi phương pháp quản lý rủi ro trong kiểm tra; chưa đánh giá, phân tích việc chấp hành pháp luật của DN; chưa áp dụng thông lệ quốc tế; chưa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận xử lý hồ sơ, trao đổi dữ liệu thông tin, công nhận kết quả KTCN. Nguồn lực (bao gồm nguồn nhân lực, tài chính, trang thiết bị máy móc, phượng tiện làm việc) thực hiện nhiệm vụ KTCN đối với hàng hóa XNK tại cửa khẩu còn nhiều hạn chế. Tại hầu hết các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia đường bộ, đường biển, đường hàng không hiện nay đều chưa có đại diện của các cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa...
Một số văn bản KTCN đã hoàn thiện Một số văn bản sửa đổi, bổ sung thay thế mới đã đưa nguyên tắc áp dụng quản lý rủi ro trong việc quản lý và KTCN; một số văn bản qua rà soát không còn phù hợp đã được bãi bỏ (như Thông tư 37/2015/TT-BCT), một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan được sửa đổi, bổ sung, thay thế như: Thông tư 41/2015/TT-BCT ngày 24-11-2015 bãi bỏ Thông tư 08/2012/TT-BCT ngày 9-4-2012 ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa Nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương; Quyết định 3648/QĐ-BCT thay thế cho Quyết định số 11039/QĐ-BCT ngày 3-12-2014 công bố Danh mục hàng hóa XNK phải KTCN trước khi có mã số HS; Thông tư 23/2016/TT-BCT bãi bỏ Thông tư 37/2015/TT-BCT quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT và Quyết định số 4758/QĐ-BNN-TY năm 2015 ban hành Bảng mã số HS của Danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch; Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT ban hành Bảng mã số HS của Danh mục thủy sản, sản phẩm thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch; Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT, số 25/2016/TT-BNNPTNT quy định về trình tự, thủ tục kiểm dịch động vật, kiểm tra vệ sinh thú y; Quyết định số 4069/QĐ-BNN-QLCL ngày 14-10-2015 công bố danh mục hàng hóa NK phải kiểm tra ATTP trước khi thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ NN&PTNT... |