Sau Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jestar Pacific, hiện hãng hàng không nội địa thứ 4 của Việt Nam là Vietstar Airlines đang chờ được cấp phép.
Công ty Hàng không Lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (chủ hãng hàng không Vietstar Airlines) vừa có văn bản gửi Chính phủ tái đề nghị được xem xét, phê duyệt cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không.
Trong nội dung phương án trình Chính phủ cấp phép vận chuyển hàng không lần này, Vietstar Airlines đã điều chỉnh kế hoạch từ 23 chiếc xuống còn 10 chiếc máy bay từ nay đến 2020, trong đó 5 chiếc đậu ở Tân Sơn Nhất.
Nếu được Chính phủ chấp thuận, Vietstar Airlines sẽ trở thành hãng hàng không chở khách thứ 4 của Việt Nam bên cạnh Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific. Vietstar Airlines sẽ tham gia thị trường hàng không trong nước với tư cách là nhà vận chuyển hành khách kết hợp hàng hóa và vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng đầu tiên của Việt Nam.
Hiện tại, Vietstar Airlines là hãng hàng không thứ 7 của Việt Nam tham gia khai thác vận chuyển trên thị trường nội địa sau Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vasco, Vietjet, Air Mekong và Indochina Airlines.
Trước đó hãng này cũng đã xin cấp phép vận chuyển hành khách, Thủ tướng đã có chỉ đạo sẽ xem xét cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho hãng khi sân bay Tân Sơn Nhất hoàn thành việc xây dựng thêm nhà ga hành khách và sân đỗ máy bay mới vì lý do hiện sân bay này đã quá tải.
Điều này đồng nghĩa với việc Vietstar Airlines phải chờ thêm khoảng 3 năm mới có thể trở thành hãng hàng không nội địa thứ 4 của Việt Nam.
Để thích nghi với thực trạng này, và có lẽ muốn rút ngắn thời gian chờ đợi nên trong lần trình mới đây, hãng đã đưa ra kế hoạch bay mới, trong đó nội dung quan trọng là giảm quá nửa số lượng máy bay vận hành so với kế hoạch ban đầu.
Vietstar Airlines là hãng hàng không liên doanh giữa Công ty TNHH MTV hàng không Vietstar, Công ty CP Chuyển phát nhanh Tín Thành và Công ty sửa chữa máy bay A41 (thuộc thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân), được thành lập ngày 27/4/2010.
Theo giấy đăng ký kinh doanh năm 2014, với vốn điều lệ 400 tỷ đồng, Vietstar Airlines có 3 cổ đông là Công ty TNHH MTV Hàng không Ngôi Sao Việt (nắm 67%), Công ty sửa chữa máy bay A41 (thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân) nắm 25%, và CTCP Logistics Ngôi sao Việt nắm 8%.
Cổ đông lớn nhất của Vietstar Airlines khi đó là Công ty TNHH MTV Hàng không Ngôi Sao Việt có vốn điều lệ 320 tỷ đồng. Ông Phạm Trịnh Phương - Chủ tịch của Công ty TNHH MTV Hàng không Ngôi Sao Việt cũng là Chủ tịch HĐQT của Vietstar Airlines.
Vietstar đưa ra mục tiêu phát triển và kế hoạch giai đoạn hoạt động 5 năm đầu với thị trường là trục nội địa Bắc - Nam và khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Định hướng xây dựng là hãng hàng không vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa bằng máy bay chuyên dụng đầu tiên của Việt Nam.
Theo Bộ GTVT, trong giai đoạn 5 năm đầu hoạt động, đội bay của Vietstar sẽ bao gồm 3 chiếc Boeing 737/ Airbus A320.
Được biết, chiếc phi cơ phản lực Legacy 600 mà ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức)– Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đang sử dụng được thuê mua từ Vietstar Airlines.
Theo Người đưa tin.