|
Bộ MLIT Nhật Bản khẳng định sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác đầu tư các lĩnh vực GTVT.
Chiều nay (13/7), Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa tiếp và làm việc với ông Hiroshi Narahira, Thứ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng GTVT và du lịch Nhật Bản (MLIT).
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đánh giá cao quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa hai Bộ thời gian qua cũng như sự hỗ trợ tích cực của Nhật Bản cả về tài chính, kĩ thuật. Các dự án mà Nhật Bản tài trợ đều là các công trình lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, đồng thời có ý nghĩa quan trọng giúp thay đổi diện mạo giao thông. Bộ trưởng đề nghị Bộ MLIT và thông qua Bộ MLIT báo cáo Chính phủ Nhật Bản quan tâm, hỗ trợ một số dự án quan trọng thời gian tới của Việt Nam như: đường cao tốc Bắc – Nam, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, hệ thống đường sắt đô thị, sân bay Long Thành…
Chia sẻ sự quan tâm của Bộ MLIT và các doanh nghiệp Nhật Bản đối với các dự án trên, Thứ trưởng Hiroshi Narahira cho biết, Nhật Bản mong muốn tham gia hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong đầu tư xây dựng, phát triển các lĩnh vực này với Việt Nam, góp phần tăng cường mối quan hệ bền chặt giữa hai nước Việt – Nhật.
Trước đó, sáng cùng ngày, tại Bộ GTVT diễn ra Hội nghị song phương thường niên cấp thứ trưởng lần thứ 5 về hợp tác GTVT giữa Bộ GTVT VN và MLIT Nhật Bản. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông và Thứ trưởng Bộ MLIT Hiroshi Narahira đồng chủ trì hội nghị. Hai bên đã rà soát, đánh giá các nội dung hợp tác trong thời gian qua ở các lĩnh vực từ đầu tư kết cấu hạ tầng đến đào tạo nhân lực, đặc biệt là sự hợp tác chặt chẽ trong GTVT đường sắt, hàng hải và hàng không. Điển hình là các dự án: Hỗ trợ kĩ thuật nghiên cứu tiền khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; hỗ trợ nghiên cứu đầu tư xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1, số 2 tại Hà Nội và tuyến số 2 tại TP. Hồ Chí Minh; Hoàn thành dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cầu Nhật Tân và đường nối Nhật Tân - Nội Bài; các công trình hạ tầng cảng biển quan trọng đã được đầu tư, xây dựng như cảng Cái Mép – Thị Vải, cảng Lạch Huyện, đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện…
Cảm ơn sự hợp tác, hỗ trợ tích cực của Nhật Bản đối với lĩnh vực GTVT thời gian qua, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu trong tài trợ vốn để phát triển hạ tầng GTVT. Hợp tác giữa hai nước thời gian qua được triển khai khá toàn diện trên các lĩnh vực: hàng không, hàng hải, đường sắt, đường bộ. Hơn 2 năm qua, kể từ cuộc họp song phương thường niên cấp Thứ trưởng GTVT tổ chức tháng 1/2015 tại Nhật Bản, các dự án hợp tác trong lĩnh vực GTVT tiến triển tốt, cả các dự án hỗ trợ kỹ thuật và các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.
Thứ trưởng Đông bày tỏ mong muốn, trong 2 năm tới Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ để triển khai các dự án đường sắt như: Báo cáo khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho ngành đường sắt, bao gồm đường sắt đô thị; Đào tạo chuyển giao công nghệ đường sắt; Tìm kiếm nguồn vốn đầu tư xây dựng mới và cải tạo nâng cấp hệ thống hạ tầng đường sắt.
Với lĩnh vực hàng không, tiếp tục hỗ trợ đào tạo cán bộ ngành hàng không trong lĩnh vực quản lý luồng không lưu, vận hành và khai thác hệ thống CNS/ATM, hỗ trợ trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển kỹ thuật hàng không. Lĩnh vực hàng hải, hỗ trợ trao đổi kinh nghiệm và hợp tác trong quản lý và vận hành cảng biển; Chính sách vận tải biển và logistics; Chính sách công nghiệp tàu thủy; Tìm kiếm cứu nạn trên biển; đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác trao đổi thuyền viên…
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Hiroshi Narahira khẳng định, Nhật Bản sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác đầu tư các công trình, dự án phát triển GTVT, không chỉ lĩnh vực KCHTGT mà còn cả “phần mềm” như hệ thống thẻ từ dùng trong vận tải hành khách công cộng (xe buýt, BRT, tàu điện)… Thứ trưởng Hiroshi Narahira bày tỏ sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan Nhà nước hữu quan cũng như các doanh nghiệp Nhật Bản đến hợp tác đầu tư các dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, sân bay quốc tế Long Thành… Trong đó, nhấn mạnh vai trò quan trọng của đường sắt tốc độ cao đối với sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương dọc tuyến; vấn đề kết nối đường sắt hiện hữu và đường sắt tốc độ cao; vấn đề phân định vai trò, nhiệm vụ khai thác giữa sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành sau này để có nghiên cứu đầu tư xây dựng mới sân bay Long Thành cũng như đầu tư mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất phù hợp, giảm kinh phí đầu tư…
Hội nghị cũng đánh giá thẳng thắn các tồn tại tại một số dự án; đồng thời trao đổi cởi mở các thông tin liên quan đến hợp tác đầu tư theo phương thức PPP, nhất là chính sách, cơ chế bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư… Hai bên thống nhất sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác toàn diện lĩnh vực GTVT, trong đó có những giải pháp khắc phục tồn tại, đẩy nhanh tiến độ các dự án và đề ra các nội dung hợp tác cụ thể, chặt chẽ để đem lại hiệu quả thiết thực.
Theo báo Giao thông.
|