Để đến tay người tiêu dùng, bất kỳ sản phẩm nào cũng đều phải trải qua một hành trình dài, bao gồm sự phối hợp của rất nhiều khâu từ nhà cung cấp nguyên vật liệu, đến các nhà máy gia công sản phẩm, qua tay các đơn vị vận chuyển và tiếp theo là các trung tâm phân phối, các cửa hiệu bán sỉ, bán lẻ.
Cả quá trình này được gọi chung là chuỗi cung ứng (CCƯ), được định nghĩa như một hệ thống các tổ chức, con người, thông tin, hoạt động và các nguồn lực liên quan tới công tác chuyển sản phẩm/dịch vụ từ nhà cung cấp tới khách hàng. Trong kinh doanh hiện nay, khi tính cạnh tranh của thị trường ngày càng khốc liệt, việc quản trị CCƯ thường tác động rất lớn đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (DN).
Quản trị CCƯ tốt, DN sẽ đạt được nhiều lợi nhuận hơn thông qua hàng loạt lợi ích như giảm lượng hàng tồn kho, giảm chi phí giá thành sản phẩm,... từ đó có được lợi thế để vượt xa các đối thủ cạnh tranh. Rõ ràng, yếu tố cơ bản để các DN cạnh tranh thành công ngày nay là phải sở hữu được một CCƯ vượt trội. Quản trị CCƯ không còn là một chức năng thông thường mà đã trở thành một bộ phận chiến lược. Nhờ quản lý CCƯ hiệu quả, những tập đoàn danh tiếng như Dell hay Walmart đã tăng 4 đến 6% lợi nhuận so với đối thủ.
Thực tế hiện nay, rất nhiều DN tại Việt Nam thường xuyên gặp khó khăn trong việc lập dự báo và kế hoạch, việc phối hợp giữa các bộ phận còn yếu, quản lý tồn kho chưa hiệu quả,... Những yếu kém này dẫn đến hàng loạt hệ lụy như năng suất thấp, chi phí hàng tồn kho cao, sản phẩm tiêu thụ được thì không có để bán trong khi nhiều sản phẩm không bán được, tồn đọng... Các chuyên gia đánh giá, nếu biết tối ưu hóa CCƯ sẽ giúp các DN Việt Nam tiết giảm đáng kể chi phí tài chính, đồng thời giúp cải thiện tính linh hoạt, hiệu quả thời gian và chất lượng dịch vụ. Ðiển hình như việc kiểm soát và tối ưu hóa chỉ riêng hoạt động logistics tại Việt Nam đã giúp tiết kiệm khoảng 5 đến 10% chi phí logistics và giúp giảm tồn kho 15 đến 25%.
Vậy làm thế nào để quản lý CCƯ hiệu quả? Các chuyên gia kiến nghị, việc dự báo và lập kế hoạch CCƯ kịp thời, chính xác là nền tảng để tiến đến việc quản trị CCƯ chuyên nghiệp. DN cần đầu tư nâng cấp và cải tiến ứng dụng công nghệ thông tin bằng những hệ thống phần mềm quản trị CCƯ. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị CCƯ sẽ giúp DN trao đổi thông tin hiệu quả hơn với đối tác và khách hàng, đồng thời tăng cường khả năng phản ứng nhanh trước những thay đổi của thị trường.
Riêng đối với các DN nhỏ và vừa (thường không đủ tiềm lực để đầu tư công nghệ cho toàn bộ CCƯ) có thể hoạch định những mặt hàng kinh doanh cốt lõi (mang lại giá trị cao) hoặc những mặt hàng đang sản xuất trong tình trạng thất thoát chi phí,... từ đó lựa chọn gói công nghệ hợp lý để tiến hành đầu tư. Ðây là cách đầu tư "cuốn chiếu", cho từng bộ phận cần thiết và quan trọng, sau đó sẽ triển khai trong toàn đơn vị. Bên cạnh đó, hiện cũng có nhiều công ty cung cấp dịch vụ có những gói đầu tư nhỏ, sẵn sàng tư vấn cho DN chọn giải pháp phù hợp trong việc quản trị CCƯ.
Theo báo Nhân dân điện tử.