Theo quyết định 200/QĐ-TTg Thủ tướng đã phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên (Trong năm 2016 vị trí xếp hạng thứ 64).
Chúng ta cũng thấy rằng nguồn nhân lực là một yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ Logistics. Nằm trong hoạt động Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam năm 2025, vào ngày 12 tháng 10 năm 2017, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Đào tạo và nâng cao chất lượng nhân lực về Logistics” do Cục xuất nhập khẩu Bộ Công Thương phối hợp với Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của Châu Âu EU-MUTRAP tổ chức. Hội thảo tập trung đánh giá hiện trạng về công tác đào tạo Logistics, tìm hiểu những nhu cầu, khó khăn, vướng mắc về nguồn nhân lực cho ngành Logistics, đồng thời hỗ trợ các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước đưa ra chính sách giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực về Logistics.
Buổi hội thảo có sự góp mặt của hơn 100 đại biểu đại diện các cơ quan quản lý nhà nước: Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công Nghệ, Bộ Tài chính; các hiệp hội tổ chức: Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội chủ hàng Việt Nam, Hiệp hội chủ tàu Việt Nam, Hiệp hội cảng biển Việt Nam, Hiệp hội Đại lý vận tải và môi giới hàng hải, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam; các trường Đại học, Cao đẳng nghề; Học viện và các doanh nghiệp dịch vụ Logistics; doanh nghiệp sản xuất thương mại và một số tổ chức cá nhân quan tâm đến vấn đề này.
Hội thảo nêu rõ nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực ước tính đến năm 2025 cần có 300.000 nhân viên chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn, công nghệ thông tin và truyền thông (ITC) và tiếng Anh đáp ứng yêu cầu trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0 trong số khoảng 1.200.000 người hoạt động trong lĩnh vực logistics. Tính từ giai đoạn 2017-2020 ngành Logistics Việt Nam cần thêm khoảng 20.000 lao động chất lượng cao, có trình độ chuyên môn, và đến năm 2030, số lượng lao động mới cần thêm trong ngành logistics lên tới 200.000 lao động trình độ cao, đáp ứng đủ các yêu cầu về kỹ năng, kiến thức chuyên môn và trình độ tiếng Anh. Nhưng điều bất cập hiện nay là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng đủ nhu cầu, hiện có khoảng 200.000 nhân viên chuyên nghiệp trong tổng số gần 1.000.000 người hoạt động trong lĩnh vực logistics bên cạnh đó trình độ tiếng Anh chuyên ngành Logistics còn hạn chế mới đạt được khoảng 4% nhu cầu.
Trước thực trạng đó, việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cung cấp cho ngành Logistics mang tính cấp thiết và cần được đẩy mạnh. Cần có sự quan tâm, hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp và tổ chức đào tạo. Với nguồn lực cung ứng mới tại các trường Đại học, Cao đẳng nghề cần kết hợp thực tập, thực tế tại các doanh nghiệp giúp sinh viên ra trường có thể hòa nhập cùng môi trường làm việc. Tại doanh nghiệp cũng cần có kế hoạch đào tạo nội bộ và nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, tiếp cận nhiều hình thức đào tạo, ứng dụng ICT. Không riêng gì các trường trường Đại học, Cao đẳng mà các Học viện logistics đóng vai trò không nhỏ trong việc đào tạo nguồn nhân lực logistics chuyên nghiệp.
Tham dự tại buổi hội thảo, Bà Nguyễn Thị Thanh - Viện phó Viện Logistics Vietnam (VIL) cho biết trải qua hơn 10 năm đào tạo về lĩnh vực Logistics và chuỗi cung ứng, Viện đã đào tạo được hơn 4.000 lượt học viên với các cấp độ từ chuyên viên Logistics đến quản trị cao cấp Logistics và quản lý chuỗi cung ứng và nhiều khóa tiếng Anh chuyên ngành logistics . Bên cạnh đó VIL cũng đã hợp tác liên kết quốc tế với các trường Thụy Sĩ, Úc, Singapore để đào tạo theo chuẩn quốc tế với các hình thức học tập trung và trực tuyến (e-learning) từ cấp độ Diploma đến MBA (Master of Business Administration in Strategic Procurement) .
Với mong muốn tạo điều kiện tốt nhất cho đối tượng doanh nghiệp, cá nhân vừa làm vừa học có thể tiếp cận kịp thời các kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm thực tiễn thông qua các khóa học trực tiếp và kết hợp trực tuyến, cùng với tốc độ phát triển mỗi năm khoảng 400 lượt học viên, dự tính đến năm 2025 VIL sẽ đào tạo cho hơn 7.200 học viên, đóng góp một phần không nhỏ cho nguồn nhân lực ngành logistics Việt Nam.
(Thúy An)
VietnamShipper