Xuất khẩu đang là động lực chính cho tăng trưởng của ngành công nghiệp xi măng khi tiêu thụ trong nước không biến động lớn.
Báo cáo về thị trường xi măng vừa công bố của StoxPlus cho biết, sản lượng tiêu thụ xi măng và clinker đã đạt 80,3 triệu tấn trong năm 2017.
Mặc dù tiêu thụ nội địa đóng góp trên 70% tổng doanh thu trong nhiều năm, nhưng tăng trưởng hiện khá chậm, từ mức 9,5% (2015) còn 1,4% (2017). Chính hoạt động xuất khẩu, với 19,7 triệu tấn đã giúp thị trường tăng trưởng đến 27,7% trong năm ngoái.
Thị trưởng trọng điểm của Việt Nam phải kể đến Bangladesh và Philippines với nhu cầu ngày càng tăng. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là một khách hàng tiềm năng, kể từ khi chính phủ nước này siết chặt các hoạt động công nghiêp gây ô nhiễm như đóng cửa hàng loạt nhà máy xi măng tháng 11/2017.
Tuy nhiên, về sản phẩm xuất khẩu, so với năm 2016, sản lượng xuất khẩu xi măng năm qua giảm đến 21,4% trong khi clinker tăng trưởng 53,8%. Điều này khiến clinker trở thành động lực chính cho hoạt động xuất khẩu.
"Điều này có thể được giải thích bởi thực tế là nước ngoài có xu hướng ưu tiên nhập khẩu clinker hơn xi măng vì lý do chi phí và xu hướng này sẽ tiếp tục định hình xuất khẩu xi măng Việt Nam trong dài hạn", chuyên gia phân tích Khiếu Duy Hải của StoxPlus nhận định.
Hiện Việt Nam đang có 107 nhà máy xi măng, với tổng công suất 120,9 triệu tấn mỗi năm, thuộc sở hữu của 93 công ty. Trong năm 2017, các công ty tư nhân tiếp tục thực hiện 5 dự án lớn mới với tổng công suất 18,5 triệu tấn mỗi năm, dẫn đến tổng công suất của ngành tăng 18%.
Không chỉ có Vissai hay ThaiGroup, các công ty nội địa khác như Thành Thắng và Long Sơn cũng có xu hướng "chơi lớn". Thị trường M&A ngành này năm qua cũng khá nhộn nhịp, với các thương vụ thâu tóm LafargeHolcim và VCM của SCCC và SCG.
Cuối năm ngoái, Nghị định 125 của chính phủ được ban hành, với thuế xuất khẩu 0% đối với xi măng đã làm tăng sức cạnh tranh của mặt hàng này so với các đối thủ ở Đông Nam Á. Ước tính, các công ty xuất khẩu có thể hưởng lợi thêm 3-4 USD mỗi tấn nhờ mức thuế mới.
Các quy định mới lập tức có hiệu lực và tác động tích cực đến thị trường xi măng trong 4 tháng đầu năm nay. Số liệu StoxPlus cho biết, tổng sản lượng tiêu thụ đã đạt 29,83 triệu tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Đóng góp chính vẫn đến từ xuất khẩu, khi sản lượng bán ra nước ngoài tăng đến 29%.
Dựa vào các phân tích về kinh tế vĩ mô, tình hình phát triển cơ sở hạ tầng và đô thị, StoxPlus dự báo nhu cầu tiêu thụ xi măng sẽ tăng khoảng 5% đến năm 2030. Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng cung vượt cầu trước khi đạt đến điểm cân bằng với 130,8 triệu tấn vào năm 2027.
"Mặc dù ngành xi măng Việt Nam vẫn song hành cùng sự phình to và vỡ 'bong bóng' bất động sản nhưng nó vẫn được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt trong những năm tới", báo cáo bình luận.
Theo VnExpress.