Vận dụng 4.0 trong logistics
Logistic cần liên kết tạo một platform để đa dạng hóa phân phối, dùng công nghệ thông tin để quản lý, điều hành tăng hiệu quả công việc và giảm chi phí.
Hiện nay, có tới 11 phần mềm logistics thông minh được ứng dụng trên thị trường, các doanh nghiệp làm logistics VN phải vượt qua thói quen cũ, để dự trữ thông minh hơn, hòa chung thông tin trong cùng một nền tảng sàn dữ liệu, cùng chia sẻ để kết nối toàn cầu và hoạt động ở mức cao, thu lợi nhuận vượt biên.
TS Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, ứng dụng CN 4.0 cho hoạt động Logistics sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ logistics và chuỗi cung ứng, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang phát triển như vũ bão của mọi mặt đời sống xã hội của mọi quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Logistic đang làm gì cho thương mại điện tử?
Sự kết hợp của logistics và thương mại điện tử đang tạo ra một ngành kinh doanh mới phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Nhưng tại Việt Nam, theo khảo sát của Bộ Công Thương, khó khăn lớn tác động tới sự phát triển của hai ngành này là môi trường pháp lý, cơ sở hạ tầng, phát triển thị trường và nguồn nhân lực. Logistics phục vụ thương mại điện tử cũng gặp những khó khăn tương tự.
Theo ông Nguyễn Quang Thuật, Giám đốc Trung tâm xử lý đơn hàng của Công ty Cổ phần công nghệ Sen Đỏ, trong lĩnh vực logistics, vận chuyển được coi là xương sống của thương mại điện tử, nhưng hầu như các nhà vận chuyển lớn trong nước đều không đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp thương mại điện tử.
Nguyên nhân là dịch vụ logistics tại Việt Nam còn rất sơ khai, chủ yếu mang logistics truyền thống sang phục vụ điện tử. Ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc Lazada Express cho biết, thương mại điện tử khác với thương mại truyền thống, vì có ngày cao điểm doanh số bán hàng trực tuyến của doanh nghiệp có thể bằng tổng lượng đơn hàng của cả 1 năm.
Theo ông Thịnh, ở Việt Nam chưa có Luật về logistics, thủ tục hành chính cũng phức tạp, chẳng hạn Thông tư liên tịch số 64 quy định hàng hóa vận chuyển trên đường phải có đơn hàng. "Nếu thương mại điện tử 1 ngày có hàng trăm đơn hàng, có đơn hàng chỉ vài chục nghìn đồng sẽ khó có thể kẹp hóa đơn cho từng đơn hàng"- ông Thịnh nhấn mạnh.
Hơn nữa, lực lượng shipper để vận chuyển hàng hóa chủ yếu là xe máy, trong khi chi phí đầu tư và vận chuyển hàng bằng ôtô cao. Về nhân lực cho logistics phục vụ thương mại điện tử, hiện cũng chưa có trường để đào tạo chuyên ngành.
Trong khi đó, thương mại điện tử muốn phát triển mạnh, không thể thiếu các dịch vụ logistics có chất lượng. Ngược lại, dịch vụ logistics là một mắt xích then chốt để hoàn tất mua bán trực tuyến các sản phẩm hữu hình.
Việc thiếu liên kết giữa doanh nghiệp thương mại điện tử và doanh nghiệp logistics là một điểm yếu của thương mại điện tử Việt Nam, đồng thời làm mất đi cơ hội của doanh nghiệp logistics. Hiện đã có một số doanh nghiệp tạo liên kết bước đầu, nhưng thiếu chuyên nghiệp, không đánh giá hết vai trò của công nghệ nên hiệu quả hợp tác chưa cao.
Theo ông Vũ Đức Thịnh, các doanh nghiệp logistics cho thương mại điện tử cần đầu tư vào công nghệ theo hướng tự động hóa, nâng cao năng lực vận hành. Tiếp đến là phải nghiên cứu ứng dụng từ thế giới vào Việt Nam và cần đầu tư vào con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ thực tế các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.