|
Có ít nhất 25 nền kinh tế đã hạn chế nhập khẩu nông sản và các thực phẩm khác từ Nhật Bản do nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 bị rò rỉ phóng xạ sau trận động đất-sóng thần kinh hoàng hôm 11/3.
Hiện ngày càng nhiều nước hạn chế nhập khẩu thực phẩm từ Nhật Bản, bất chấp Tokyo lên tiếng đề nghị các nước tuân thủ quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) - theo đó cấm các nước thành viên của tổ chức này hạn chế nhập khẩu mà không có cơ sở khoa học.
Sau khi Chính phủ Nhật Bản tạm ngừng xuất khẩu một số nông sản, trong đó có rau bina và sữa từ 4 quận Fukushima, Ibaraki, Tochigi và Gunma, thì Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) đã cấm nhập khẩu toàn bộ thực phẩm tươi sống từ Nhật Bản. Đây là quốc gia "hà khắc" nhất trong số 25 nền kinh tế đã triển khai lệnh ngừng nhập khẩu.
Trong khi đó, Philippines quyết định ngừng nhập khẩu bán quy và sôcôla từ 4 quận trên. Còn Nga, ngoài 4 quận còn cấm nhập khẩu thực phẩm từ Chiba và Tokyo. Singapore, ngoài 4 quận còn ngừng nhập khẩu rau quả từ Saitama, Chiba, Tokyo, Kanagawa, Shizuoka và Ehime.
Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc cũng áp dụng lệnh cấm nhập khẩu một phần đối với thực phẩm của Nhật Bản. Liên minh châu Âu (EU) và Brazil đề nghị Chính phủ Nhật Bản cấp chứng nhận đối với thực phẩm không bị nhiễm phóng xạ.
Nếu Nhật Bản không đáp ứng yêu cầu này, các thực phẩm xuất khẩu của nước này sẽ khó có cơ vào được thị trường châu Âu.
Chính nhờ các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt đối với nông sản mà hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản đã nở rộ.
Chính phủ nước này có kế hoạch nâng kim ngạch xuất khẩu nông sản từ mức 492,1 tỷ yen năm 2010 lên 1.000 tỷ yen vào năm 2017. Tuy nhiên, thảm họa hạt nhân đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới kế hoạch này.
Theo Vietnam+
|