Home Page About us Transport Yellow Pages Forum VIL
Tracuu
Su Kien



Username
Password
 
Đăng ký mới


Phòng kinh doanh:
028
3513 6399
 

Đăng nhập

     

Châu Âu vỡ nợ hay dứt nợ?

7/7/2011 10:25:53 AM

Phải cơ cấu lại nợ, phát hành trái phiếu "siêu quốc gia châu Âu", hoặc thậm chí vỡ nợ ồ ạt, là 3 tình huống không mấy sáng sủa mà các chuyên gia tài chính thuộc tạp chí The Economist của Anh dự báo đối với tương lai cuộc khủng hoảng nợ của lục địa già.

Theo Ban phân tích và tư vấn kinh tế (EIU) của The Economist, tới nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy cuộc khủng hoảng nợ ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có khả năng được giải quyết dứt điểm.

EIU cho rằng, nền tảng quản lý của khu vực này đang có những biến chuyển lớn và việc đối phó với những hậu quả từ khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2008 - 2009 sẽ tiếp tục chi phối đời sống chính trị của châu Âu trong vài năm tới. EIU đã đưa ra ba kịch bản có thể xảy ra ở lục địa này.

Thứ nhất, châu Âu có khả năng phải cơ cấu lại nợ. Khả năng xảy ra của tình huống này lên tới 40%. Theo EIU, thâm hụt ngân sách và tài khoản vãng lai của các thành viên Eurozone sẽ giảm dần trong 2011 - 2013, nhưng do kinh tế đình trệ khá lâu nên tỷ lệ nợ hộ gia đình và quốc gia có thể sẽ xấu đi ở tất cả các quốc gia.

Thêm vào đó, nhằm đạt thặng dư lớn để trả lãi suất, các nước nợ nần buộc phải đánh thuế quá mức hoặc cắt giảm mạnh phúc lợi xã hội, dịch vụ công, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế cũng như ổn định xã hội. Vấn đề này có thể xảy ra trước khi Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) đi vào hoạt động vào năm 2013.

Đến lúc đó, cả ba quốc gia nặng nợ Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha vẫn chưa thể tiếp cận thị trường tài chính với các điều khoản ổn định, nên có thể sẽ buộc phải tiếp tục yêu cầu nguồn tài chính khẩn cấp từ ESM khi các chương trình cứu trợ hiện nay hết hạn.

Điều này có thể khiến các chủ nợ lại phải đương đầu với khả năng vỡ nợ do không thanh toán được nợ cũ của các nước đi vay. Khi đó, việc tái cơ cấu nợ có thể được thực hiện một cách có trật tự trong khuôn khổ được thiết lập trước. Việc tái cơ cấu nợ có thể được thực hiện bằng nhiều cách và quy mô khác nhau.

Tình huống thứ hai có thể xảy tới là châu Âu phải phát hành trái chiếu của châu lục, nếu Tây Ban Nha không chờ đợi bên ngoài giúp đỡ, Pháp duy trì mức xếp hạng tín nhiệm AAA và các nước khó đạt được kết quả mong đợi từ chương trình khắc khổ. Khả năng xảy ra tình huống này là 25%.

Tình huống thứ ba có tới 35% khả năng xảy ra là sự vỡ nợ ồ ạt, nếu một hoặc một vài số nền kinh tế yếu kém rời bỏ Eurozone và đe dọa đến sự tồn tại lâu dài của khu vực này. Trên thực tế, theo EIU, chiến lược mà Eurozone đang thực hiện rủi ro cả về chính trị và kinh tế.

Để đạt thặng dư ngân sách, chính phủ các nước nhận viện trợ phải cắt giảm mạnh chi tiêu, dẫn tới sự phản ứng của dân chúng. Trong khi đó, người dân các nước cho vay cũng phản đối bởi phải gánh thêm trách nhiệm với các quốc gia nợ nần, nhất là nếu các chương trình khắc khổ vô tác dụng.

Cũng liên quan tới kinh tế châu Âu, hôm 6/7, các quan chức Ủy ban châu Âu (EC) đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ các tổ chức định mức tín nhiệm gồm Moody’s, Standard & Poor's và Fitch Ratings, về việc ba tổ chức này hoài nghi nỗ lực của Liên minh châu Âu trong việc bình ổn các quốc gia nợ nần tại khu vực.

Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso cho rằng, các hãng xếp hạng tín nhiệm đã có xu hướng chống châu Âu và làm gia tăng mối hoài nghi trên các thị trường tài chính. Trên thực tế, những lo lắng về nợ công châu Âu đã đè nặng tâm lý nhà đầu tư của hầu hết các thị trường hàng hoá thời gian qua.

Trong một động thái khác, Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể sẽ tuyên bố nâng lãi suất từ 1,25% lên 1,5% trong ngày hôm nay (7/7). Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet dự định tổ chức họp báo trước khi thị trường Mỹ mở cửa.

Theo nhận định của tờ Wall Street Journal (WSJ), sự phục hồi chậm chạp của kinh tế Mỹ có thể còn kéo dài nhiều năm nữa. Các báo cáo gần đây về việc làm, hoạt động cho vay của ngân hàng, chỉ số sản xuất, thu nhập, giá nhà đất... cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế đầu tàu vẫn ì ạch.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu đã được nâng lên, nhưng một phần là nhờ vào sự tăng trưởng mạnh của các quốc gia đang phát triển và việc đồng USD suy yếu. Theo WSJ, khả năng sự phục hồi kinh tế Mỹ sẽ tăng tốc trong 6 tháng cuối năm nay, nhưng khó khăn chung vẫn ít nhiều gây ảnh hưởng.

Ngoài việc các ngân hàng không cho vay nhiều như trước suy thoái, thâm hụt ngân sách cao, thì vấn đề nợ nần của các hộ gia đình cũng rất đáng ngại. Dự tính, để tỷ lệ nợ trên thu nhập trở lại mức trung bình 84% của thập niên 1990, các hộ gia đình phải trả 3.300 tỷ USD tiền nợ hoặc thu nhập phải tăng thêm 3.900 tỷ USD.

Thêm vào đó, việc thị trường việc làm tiếp tục yếu kém đã ảnh hưởng mạnh tới niềm tin tiêu dùng của người Mỹ. Chỉ có 24% hộ gia đình hy vọng tình hình tài chính sẽ cải thiện trong vòng một năm, thấp nhất trong thời điểm phục hồi kinh tế yếu kể từ sau Thế chiến 2.

Liên quan tới kinh tế Trung Quốc, hôm qua, nền kinh tế này đã nâng lãi suất cơ bản lần thứ ba trong năm nay. Việc nâng lãi suất cơ bản cho thấy Trung Quốc vẫn phải ưu tiên hàng đầu cho việc kiềm chế lạm phát, bất kể tốc độ tăng trưởng sản xuất của quốc gia này đã dịu lại.

Lần nâng lãi suất cơ bản này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày hôm nay (7/7), theo đó lãi suất cho vay kì hạn 1 năm được nâng từ 6,31% lên 6,56%, lãi suất tiền gửi kì hạn 1 năm tăng từ 3,25% lên 3,5%. Động thái này có thể làm gia tăng lo ngại rằng, Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục thặt chặt tiền tệ hơn nữa.

Bên cạnh việc nâng lãi suất, Trung Quốc đã 6 lần nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong năm nay. Tuy nhiên, công cụ dự trữ bắt buộc đã không có hiệu quả kiềm chế lạm phát. Các nhà kinh tế khuyên Trung Quốc nên quay trở lại sử dụng công cụ lãi suất.

Trước đó một ngày, theo tạp chí Chứng khoán Trung Quốc dẫn nguồn dữ liệu từ các tổ chức tài chính, các ngân hàng ở Trung Quốc dự tính số tiền đã cho vay mới trong tháng 6 là 550 tỷ Nhân dân tệ (85 tỷ USD), nâng tổng giá trị các khoản vay mới trong nửa đầu năm 2011 lên 4.000 tỷ Nhân dân tệ.

Báo trên cho hay, dựa trên tốc độ tăng trưởng cho vay hiện tại của các ngân hàng, giá trị các khoản cho vay mới sẽ thấp hơn 7.500 tỷ Nhân dân tệ trong năm nay. Năm ngoái, giá trị các khoản cho vay mới lên tới 7.950 tỷ Nhân dân tệ, vượt mục tiêu Chính phủ đặt ra là 7.500 tỷ Nhân dân tệ.

Cũng liên quan tới Trung Quốc, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 6/7 cho hay, ông Min Zhu, cựu Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, cố vấn đặc biệt của cựu Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn, có thể được bổ nhiệm làm Phó giám đốc điều hành IMF.

Nếu được bổ nhiệm, ông Zhu sẽ là nhân vật thứ 2 thuộc các nước châu Á đảm nhiệm vị trí điều hành cấp cao tại IMF, cùng với Chủ tịch Ủy ban cố vấn người Singapore. Tuy nhiên, trước tiên, việc bổ nhiệm này cần được sự nhất trí của ban điều hành IMF gồm 24 nước thành viên.

 

Theo VnEconomy

TIN LIÊN QUAN
Tàu đổ dồn ảnh hưởng đến tuyến châu Á – Australia (4/24/2014 8:42:50 AM)
Các hãng vận tải khu vực châu Âu tăng trưởng trở lại (3/5/2014 9:47:06 AM)
Xuất khẩu cá tra sang châu Âu tăng mạnh (2/18/2014 9:35:57 AM)
Lưu thông container trên các tuyến Á-Âu, xuyên Đại Tây Dương tăng 2.4% trong năm 2013 (2/12/2014 10:13:43 AM)
Các hãng tàu tăng cước tuyến châu Á – Nam Mỹ (12/19/2013 8:55:34 AM)
Tăng cước trên tuyến châu Á – châu Mỹ Latin (12/18/2013 9:01:19 AM)
Giá cước tăng 60% trên tuyến Á-Âu (12/17/2013 9:44:25 AM)
Deutsche Post DHL phát triển trung tâm châu Âu (12/12/2013 10:10:00 AM)
Các hãng vận tải châu Á - Thái Bình Dương: lưu thông hàng hóa hàng không ổn định (12/3/2013 9:05:31 AM)
Đối tác Châu Âu tìm nhà phân phối sản phẩm (11/23/2013 10:33:47 AM)
THÔNG TIN KHÁC
BÌNH LUẬN

Bình luận của bạn

Nội dung:
Email / Tên / Điện thoại:
 

Bạn thấy giao diện mới của website như thế nào?
Rất đẹp
Đẹp
Bình thường
Không đẹp lắm

VẬN CHUYỂN CONTAINER QUỐC TẾ/NỘI ĐỊA UY TÍN, CHẤT LƯỢNG. HOTLINE: 0903 974 124
CÔNG TY TNHH CÁT TƯỜNG GIANG (CTG LOGISTICS & SHIPPING AGENCIES)

© 2005-2020 Bản quyền thuộc về Viện Logistics Việt Nam (VIL) - Liên hệ quảng cáo
Ghi rõ nguồn "VietnamShipper" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

Tầng 25, Pearl Plaza - 561A Điện Biên Phủ, P.25, Q.Bình Thạnh, Tp.HCM - Tel: (+84-8) 3513 6399 - Fax: (+84-8) 3513 6359 - Email: admin@vietnamshipper.com