|
Liên tiếp cho nhập khẩu vàng, liệu Ngân hàng Nhà nước có phải đánh đổi với áp lực bình ổn tỷ giá USD/VND và các mối liên hệ?
Chỉ trong chưa đầy hai tháng qua, Ngân hàng Nhà nước liên tục phải dùng đến biện pháp cho nhập khẩu vàng để bình ổn thị trường. Phía sau giải pháp này có những suy tính khác nhau.
Thị trường vàng mở cửa tuần giao dịch mới với đà lao dốc rất mạnh. Mức giảm từ cuối tuần qua đến ngày 26/9 gần như đã cắt bỏ mức giá dồn tăng từ hai tháng trước đó.
Diễn biến giảm của giá vàng đã thể hiện từ nửa cuối tháng 9. Trong nước, khi giá vàng về dưới mốc 47 triệu đồng/lượng, thị trường ghi nhận lực mua “bắt đáy” rất mạnh. Cuối tuần qua và đầu tuần này, nhiều doanh nghiệp cho biết nguồn cung đã cạn, trong khi lực cầu vẫn ở mức cao, dù vừa có thêm đợt nhập khoảng 4 tấn.
Cầu cao, cung hạn chế là một trong những lý do khiến giá vàng trong nước cao hơn hẳn giá vàng thế giới. Như trong ngày 24/9, mức chênh lệch quy đổi lên tới 4 triệu đồng/lượng. Đây là lần thứ hai kể từ đợt biến động đầu tháng 8 vừa qua, giá vàng trong nước vượt xa giá thế giới và tạo chênh lệch kỷ lục như vậy.
Và một lần nữa, cuối chiều 26/9, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông điệp sẽ cho nhập khẩu vàng để bình ổn thị trường.
Trước thông tin trên, có nhiều bình luận và quan điểm khác nhau về giải pháp này.
Thứ nhất, để can thiệp thị trường vàng trong thời gian qua và hiện nay nhà điều hành vẫn chủ yếu sử dụng biện pháp cho nhập khẩu. Những lần trước, thị trường có phản ứng đồng thuận, chênh lệch giá được thu hẹp. Nhưng lần này hiệu quả của nó còn ở phía trước, đặc biệt là khi hạn mức cụ thể vẫn chưa xác định.
Phía sau giải pháp này, một lần nữa thị trường chờ đợi những giải pháp khác mang tính dài hạn. Hiện nghị định về quản lý kinh doanh vàng vẫn đang chờ ngày chính thức ban hành để phát huy tác dụng; cơ chế Ngân hàng Nhà nước là đầu mối huy động vàng trong dân để tăng cường dự trữ ngoại hối cũng đang chờ hình hài cụ thể và lộ trình triển khai.
Thứ hai, hoạt động nhập khẩu vàng để bình ổn thị trường này lại có tương tác với thị trường khác, các vấn đề khác. Cụ thể, mối lo ngại đặt ra hiện nay là cho nhập khẩu vàng đồng nghĩa với sức cầu ngoại tệ và áp lực đối với tỷ giá USD/VND; và để ổn định tỷ giá Ngân hàng Nhà nước sẽ phải bán ra hỗ trợ, giữ vững “cam kết” nếu điều chỉnh từ nay đến cuối năm không quá 1%, dự trữ ngoại hối theo đó sẽ bị ảnh hưởng…
Phía sau mỗi liên hệ này, một số ý kiến bình luận gần đây cho rằng, sự bất cập nằm ở chỗ, nguồn ngoại tệ dùng cho nhập khẩu vàng để đáp ứng hoạt động đầu cơ, tích trữ vàng trong dân, mà không được đưa vào sản xuất kinh doanh. Đó là sự chảy máu ngoại tệ cần xem xét.
Mặt khác, có ý kiến cho rằng ở đây Ngân hàng Nhà nước cần sự đánh đổi, giữa ổn định tỷ giá USD/VND và “buông” biến động trên thị trường vàng, hoặc tiếp tục cho phép nhập khẩu vàng và đẩy nhập siêu lên, gây áp lực thêm cho tỷ giá.
Và như đã đề cập, cuối ngày 26/9, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra thông điệp rõ ràng: tiếp tục cho nhập khẩu vàng để bình ổn thị trường.
Về việc cho nhập khẩu vàng cũng như các ý kiến bình luận nói trên, trao đổi với VnEconomy, ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), nhìn nhận rằng: “Nên cho nhập khẩu vàng và nên nhập vào lúc này”.
Theo phân tích của ông Phước, việc nhập vàng bình ổn thị trường hiện nay là cần thiết và với mức giảm rất mạnh vừa qua là có lợi; cũng không quá lo ngại ở các hệ lụy liên quan đến tỷ giá, dự trữ ngoại hối hay câu chuyện của nguồn vốn đọng ở vàng mà không đi vào sản xuất kinh doanh.
“Ở đây theo tôi cần xem vàng là một dạng ngoại tệ, cấu thành dự trữ ngoại hối. Ngoại tệ dùng để nhập vàng lúc này không mất đi. Vấn đề còn lại là làm sao sử dụng nó trở thành một nguồn lực phục vụ cho các mục đích quản lý, điều tiết thị trường và góp sức cho nền kinh tế.
Ở hướng này, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương rồi, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có định hướng triển khai. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ huy động nguồn vàng trong dân để tăng dự trữ ngoại hối, sử dụng các nghiệp vụ hoán đổi với thị trường quốc tế để tạo ngoại tệ, thậm chí sử dụng một phần nguồn vàng này bình ổn thị trường khi giá vàng tăng cao bất hợp lý”, ông Phước nói.
Tương tự ở sự hoán đổi đó, chuyên gia này cho rằng cần có cái nhìn công bằng đối với hoạt động nhập khẩu vàng của doanh nghiệp. Đó là hoạt động kinh doanh có xuất, có nhập. Trong nửa đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, kiềm chế nhập siêu khả quan hơn một phần đáng kể có từ hoạt động xuất khẩu vàng của các doanh nghiệp. Và dĩ nhiên khi xuất khẩu là mang về ngoại tệ.
“Hiện nay, nếu tiếp tục cho nhập khẩu cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến cầu ngoại tệ. Trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng thương mại hiện khá tốt. Chỉ cấp hạn ngạch cho những đầu mối chủ động được nguồn ngoại tệ. Mặt khác, nếu không cho nhập khẩu, giá trong nước vượt quá xa giá thế giới như vậy sẽ khuyến khích việc nhập lậu, kích thích hoạt động gom ngoại tệ trên thị trường tự do, gây xáo trộn và biến động tiêu cực”, ông Phước phân tích thêm.
Còn với Ngân hàng Nhà nước, quyết định cho nhập khẩu đã được đưa ra. Thông điệp mà cơ quan này đưa ra ngày 23/8 vừa qua cũng còn tươi mới: “Trong thời gian tới sẽ đảm bảo giá vàng trong nước diễn biến sát với giá vàng thế giới, chống đầu cơ làm giá trên thị trường; sẽ có cơ chế phù hợp để các tổ chức tín dụng có thể chủ động sử dụng lượng vàng hiện có trong nước để can thiệp bình ổn thị trường”.
Theo VnEconomy
|