Ngày 1-10-2012, Hội nghị Thượng đỉnh Chuỗi cung ứng 2012 “Vietnam Supply Chain Congress 2012” (Thu mua - sản xuất - bán lẻ và phân phối) do Vietnam Supply Chain tổ chức đã diễn ra tại TP. HCM. Tham dự hội nghị có hơn 500 chuyên gia, chủ doanh nghiệp, quản lý, giám đốc của các công ty lớn liên quan đến chuỗi cung ứng: Thu mua - tìm nguồn hàng, Sản xuất, Bán lẻ và phân phối tại Việt Nam.
Hội nghị lần này có sự tham gia của hơn 40 diễn giả trong nước và quốc tế hiện đang công tác tại: TNS, Unilever, Akzo Nobel, DHL Supply Chain, PricewaterhouseCoopers, Vina Capital, Ford Việt Nam, SportVision, DSM, Global Silver, Grant Thornton, Audi AG, CBRE, CEL Consulting, VNCI/USAid, UNIDO, BDG, Baker McKenzie, Holcim, Schenker, Ecopack Solutions, Metro Cash & Carry, DHL, Damco, APL Logistics…
Hội nghị tập trung bàn luận các lĩnh vực trong chuỗi cung ứng như mối quan hệ giữa thu mua và sản xuất, quy trình thu mua gián tiếp, mạng lưới phân phối, bán lẻ ở Việt Nam, những lợi thế cạnh tranh dựa trên phân phối hiệu quả hơn và cải thiện dịch vụ khách hàng, cơ hội cho công nghiệp Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn, chiến lược đa cung ứng trong tương lai cùng các tiến bộ công nghệ mới…
Phát biểu bên lề hội nghị, ông Trần Quốc Bảo, Phó Giám đốc Công ty CP Vinafco chi nhánh miền Nam cho biết so với nước trong cùng khu vực các doanh nghiệp cung ứng và logistics ở Việt Nam còn có khoảng cách khá lớn. Điều này khiến cho chi phí logistics hiện còn chiếm tỷ lệ khá cao trong giá thành của sản phẩm.
Theo ông Bảo, một trong những điểm yếu lớn nhất của các doanh nghiệp cung cấp chuỗi cung ứng của Việt Nam so với các doanh nghiệp nước ngoài chính là thiếu kinh nghiệm trong việc quản lý các chuỗi cung ứng và chưa hoàn thiện quy trình quản lý chuỗi cung ứng của mình. Ngoài ra, chính vì mới phát triển trong một vài năm gần đây nên vấn đề nhân lực là trong những điểm nan giải nhất hiện nay.
Ngoài vấn đề về con người, ông Ruth Banomyong, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Logistics Trường Đại học Thammasat Business cho biết một hạn chế lớn hiện nay của ngành logistics và chuỗi cung ứng ở Việt Nam chính là sự chồng chéo trong cách quản lý giữa các bộ ngành. Hiện nay ngành logistics chịu sự quản lý của cả Bộ Công thương, Bộ GTVT và cả một số bộ khác. Tuy nhiên, nhiều bộ cùng quản lý lại thiếu tiếng nói chung khiến cho ngành logistics bị kìm hãm phát triển.
Ông Jonas Franceschina, Giám đốc điều hành Global-Silver cho biết ngành logistics và chuỗi cung ứng ở Việt Nam có lợi thế là giá nhân công rẻ nhưng không nên xem đó là một lợi thế cạnh tranh chính mà cần phải đầu tư chuyên môn sâu vào yếu tố con người, tập trung vào công tác nghiên cứu và phát triển để tạo ra các giải pháp tối ưu cho chuỗi cung ứng. Cùng với đó, Việt Nam cũng không nên quá dựa vào việc chuyển giao công nghệ và các giải pháp tối ưu chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia. Bởi vì nếu như thế Việt Nam sẽ luôn đi sau và rất khó cạnh tranh với các công ty cung cấp chuỗi cung ứng lớn trên thế giới.
Ngoài ra, để thành công theo ông Jonas Franceschina các nhà cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng của Việt Nam cần phải hiểu được khách hàng của mình mong muốn điều gì. Các doanh nghiệp phải nắm chắc điều này mới có thể đưa ra được các giải pháp tối ưu cho chuỗi cung ứng. Từ đó nâng cao quy trình thu mua của mình.
Hội nghị sẽ diễn ra đến hết ngày 3-10-2012.
Thanh Long