Theo nhiều chuyên gia, việc nới lỏng tiền tệ quá mức của nhiều ngân hàng trung ương có thể khiến lạm phát quay trở lại các nước châu Á trong năm 2013.
Châu Á đang dần phục hồi và lạm phát không còn là ưu tiên hàng đầu của một số ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế của HSBC vẫn cảnh báo áp lực tăng giá sẽ trở lại vào năm nay như một hệ quả tất yếu của các chính sách tăng lương.
Ngày 15/1, Ngân hàng trung ương Philippines dự kiến lạm phát nước này tiếp tục bình ổn trong năm 2013. Cơ quan này cũng nhận định lập trường chính sách tiền tệ hiện tại sẽ vẫn phù hợp cho thời gian tới. Tuần trước, Ngân hàng trung ương Indonesia cũng tuyên bố lãi suất sẽ được giữ ở mức thấp kỷ lục là 5,57% trong khi lạm phát vẫn được kiểm soát. Cùng lúc, Hàn Quốc đã hạ dự báo lạm phát và tiết lộ sẽ còn giảm nữa trong tương lai.
Giám đốc Bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á của HSBC, Frederic Newmann, trả lời trên CNBC rằng: "Mọi người đều cho rằng lạm phát không phải là vấn đề cấp bách, nhưng nó sẽ quay trở lại. Trong quá khứ, lạm phát luôn bắt nguồn từ giá thực phẩm và nhiên liệu. Tuy nhiên, lần này nó lại nảy sinh từ mức lương. Việc này nguy hiểm hơn rất nhiều".
Ông cũng dự báo áp lực về lương sẽ nặng nề nhất ở Thái Lan, Indonesia, Singapore và Hong Kong. Newmann bổ sung: "Trạng thái ổn định của các ngân hàng trung ương sẽ không thể kéo dài do lạm phát trở lại. Việc này sẽ xảy ra với những nền kinh tế mới nổi sớm hơn dự đoán". Ông cho rằng Indonesia, Thái Lan và Hàn Quốc sẽ là những nước đầu tiên ở châu Á có lãi suất leo thang, và việc này có thể khiến cả khu vực thắt chặt tiền tệ.
Chuyên gia kinh tế độc lập Andy Xie tin rằng Ấn Độ và Đông Nam Á sẽ có rủi ro lạm phát lớn nhất. Ông dự đoán tốc độ này ở Ấn Độ là 10% và các nước Đông Nam Á khác là trên 5%.
Các nhà phân tích đánh giá việc tăng lương tối thiểu ở một số quốc gia Đông Nam Á có thể tạo đà cho việc tăng lương chung. Thái Lan vừa tăng lương tối thiểu ngày lên gần 10 USD. Trong khi đó, Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, sẽ thi hành chính sách lương hai con số vào năm nay. Sau nhiều vụ biểu tình vào năm ngoái, lãnh đạo Indonesia, cũng đã chấp thuận tăng lương tối thiểu tại thủ đô thêm 44% lên 230 USD một tháng trong năm 2013. Động thái này nhằm theo kịp việc tăng lương ở các vùng khác trên cả nước.
Robert Prior-Wandesforde, Giám đốc các nền kinh tế châu Á ngoài Nhật Bản tại Credit Suisse Singapore cho biết ông không tin lạm phát sẽ là vấn đề chính với châu Á trong năm nay. Tuy nhiên, Indonesia vẫn là quốc gia chịu đặc biệt nhiều rủi ro về việc này.
Đồng rupiah Indonesia đã mất giá 4% trong sáu tháng qua. Prior-Wandesforde nhận định: "Chúng tôi lo ngại nhiều nhất về Indonesia, do lương tăng cao, đồng rupiah yếu đi và những dầu hiệu của việc phát triển quá nóng".
Ông nói thêm: "Quốc gia châu Á duy nhất mà chúng tôi dự đoán tăng lãi suất trong năm nay là Indonesia". Ba trong số 17 chuyên gia kinh tế được Reuters tham vấn tuần qua dự đoán Ngân hàng trung ương Indonesia sẽ tăng lãi suất từ tháng 6 để đối phó với lạm phát, hiện là 4,3%.
Tại Trung Quốc, nền kinh tế chủ chốt của khu vực, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã đạt 2,5% tháng 12 năm ngoái, cao nhất trong 7 tháng. Việc này đã khiến một số chuyên gia kinh tế tin rằng Ngân hàng trung ương Trung Quốc có thể thắt chặt tiền tệ trong nửa cuối năm nay, sau 2 lần nới lỏng năm ngoái.
Trong khi đó, các nhà phân tích nhận định Ngân hàng trung ương Thái Lan đã khá "quyết liệt" khi cho rằng tăng trưởng kinh tế sẽ vượt ngoài dự kiến. Phát biểu này của họ được đưa ra trong cuộc họp tuần qua. Chuyên gia kinh tế châu Á của HSBC - Su Sian Lim nhận xét: "Tuyên bố của Ngân hàng trung ương Thái Lan đã củng cố quan điểm rằng chính sách tăng lãi suất có thể được áp dụng vào một thời điểm nào đó trong năm nay, như tháng 5 hoặc tháng 7".
Theo ông Neumann, lạm phát Châu Á có thể nghiệm trọng hơn do dư thừa cung tiền tại các thị trường trong khu vực. Nguyên nhân là nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới nới lỏng tiền tệ trong thời gian qua.
Ông cho biết: "Nhiều nền kinh tế đang thừa thanh khoản. Vì vậy, lạm phát dường như sắp quay trở lại. Tôi lo lắng về những rủi ro tăng giá đối với châu Á hơn là về những rủi ro giảm giá. Sẽ là lý tưởng nếu như các chính sách thắt chặt tiền tệ được tiến hành càng sớm càng tốt. Nhưng điều này thực tế không khả thi, bởi mọi người vẫn còn lo lắng về châu Âu và hàng loạt vấn đề khác".
Theo VnExpress