Chênh lệch giá vàng trong nước với quốc tế sau mốc 30-6 sẽ ảnh hưởng mạnh từ lực cung vàng của Ngân hàng Nhà nước.
Ngày 13-5, giá vàng miếng trong nước tiếp tục đà giảm sau khi để mất khoảng 800.000 đồng/lượng vào tuần trước. Gần cuối ngày, giá vàng miếng SJC tại TPHCM được niêm yết mua vào 41,18 triệu đồng/lượng, bán ra 41,33 triệu đồng/lượng, giảm thêm khoảng 100.000 đồng/lượng so với giá đóng cửa cuối tuần.
Xu hướng bán tháo chưa dừng
Trên thị trường quốc tế, giá vàng sụt mạnh hơn khi để mất gần 20 USD/ounce so với phiên cuối tuần, rơi xuống mức 1.429 USD/ounce. Trong tuần qua, giá vàng thế giới tiếp tục mất hơn 1,89% sau khi rơi từ mốc cao 1.480 USD/ounce.
Lực mua vàng vật chất từ thị trường châu Á hỗ trợ giá vàng không giảm sâu nhưng những thông tin về kinh tế, chính sách điều hành lãi suất… từ Mỹ, châu Âu làm vàng giảm giá. Việc Ngân hàng (NH) Trung ương châu Âu (ECB) vừa cắt giảm lãi suất điều hành từ 0,75%/năm xuống còn 0,5%/năm khiến đồng euro giảm giá mạnh so với USD, đồng USD mạnh lên gây áp lực giảm giá vàng.
Từ khi giá vàng thế giới có phiên rớt mạnh nhất trong 30 năm qua, vào ngày 12-4 và 15-4 khi để mất hơn 200 USD/ounce, rơi xuống dưới 1.350 USD/ounce đến nay, vàng liên tục bị bán tháo. Chuyên gia về vàng Phan Dũng Khánh phân tích: Tháng 12-2012, quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust nắm giữ hơn 1.350 tấn vàng, đến nay, số lượng nắm giữ của quỹ này chỉ còn hơn 1.000 tấn. SPDR Gold Trust bán ròng trên 300 tấn kể từ đầu năm đến nay.
“Xu hướng bán vàng vẫn chưa dừng lại khi suất sinh lợi của các kênh đầu tư khác đang hấp dẫn hơn, nhất là thị trường chứng khoán Mỹ liên tiếp lập những kỷ lục mới trong tuần qua” - ông Khánh nói. Tuy nhiên, về trung - dài hạn, theo ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), giá vàng khó giảm sâu bởi châu Âu, Nhật, Mỹ, Úc… liên tục kích cầu kinh tế...
Hiện khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới đang ở mức 5 triệu đồng/lượng, có rút ngắn so với mức 6-7 triệu đồng/lượng hồi tháng 4. Theo ông Nguyễn Công Tường, Phó Phòng Kinh doanh Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), lực mua vàng trên thị trường đang yếu. Trung bình mỗi ngày, SJC giao dịch khoảng 2.000 - 3.000 lượng.
Các phiên đấu thầu vàng miếng của NH Nhà nước giúp lực cung tăng; chênh lệch giá vàng nội - ngoại còn lớn khiến thị trường lo ngại rủi ro. Giới kinh doanh vàng đang khá thận trọng chờ đợi diễn biến mới của thị trường sau thời điểm 30-6 khi các NH thương mại tất toán trạng thái vàng…
Xem “bước đi” của Ngân hàng Nhà nước
Qua 16 phiên đấu thầu vàng, NH Nhà nước đã bơm ra thị trường hơn 16,7 tấn vàng (436.000 lượng). Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TPHCM, phần lớn lượng vàng đấu thầu được các NH thương mại mua phục vụ việc đóng trạng thái trước thời điểm 30-6, dùng số vàng mua được trả cho người dân.
Hiện lượng vàng tồn quỹ của các NH trên địa bàn đáp ứng được khoảng 90% lượng vàng chi trả cho người dân và TPHCM đang còn 11 tổ chức tín dụng có dư nợ vàng. Việc mua vàng đấu thầu giúp các NH giảm dần số dư huy động và bảo đảm sẽ tất toán trạng thái trước ngày 30-6.
Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 4, Phó Thống đốc NH Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết thời gian qua, nhu cầu cần tất toán trạng thái vàng đã gây áp lực lên thị trường. Sau thời điểm 30-6, cầu vàng giảm sẽ giúp chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế thu hẹp. Qua 2 phiên đấu thầu gần đây cho thấy nhu cầu mua vàng của các NH thương mại đang giảm. Sau nhiều phiên “cháy” hàng, vàng đấu thầu bắt đầu ế với tổng khối lượng ế trong 2 phiên ngày 9 và 10-5 là 8.900 lượng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, chênh lệch giá vàng nội - ngoại có thể giảm bớt nhưng để về mức 1-2 triệu đồng/lượng là rất khó. Bởi cái gốc của vấn đề là giá vàng trong nước với thế giới vẫn chưa liên thông. Ông Trần Thanh Hải phân tích: Sau thời điểm 30-6, lực cầu vàng từ các NH có thể giảm bớt nhưng để kéo chênh lệch giá về sát nhau lại là chuyện khác.
Giá vàng trong nước hiện không chỉ phụ thuộc thế giới mà còn chịu tác động lớn từ chính sách quản lý vàng, lượng vàng cung ra thị trường của NH Nhà nước. Khi đó, nếu NH Nhà nước bán vàng ra với giá sát thế giới 37-38 triệu đồng/lượng sẽ kích thích lực mua từ người dân khiến chủ trương chống vàng hóa không khả thi. Còn nếu NH Nhà nước vẫn bán vàng sát giá thị trường, 41- 42 triệu đồng/lượng như hiện nay, khoảng cách chênh lệch khó lòng rút ngắn.
Đề phòng đầu cơ vàng biến tướng
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đạt Chí cảnh báo hiện nhiều người dân sau khi mua vàng liền gửi NH thương mại giữ hộ. Các NH có dịch vụ cho vay cầm cố, thế chấp bằng vàng (sổ giữ hộ vàng). Khi đó, người dân có thể tiếp tục vay cầm cố sổ giữ hộ vàng rồi đem tiền vay mua vàng tiếp… tạo nên một lực cầu lớn. Nếu họ sử dụng cách này như một kênh đầu tư hoặc thậm chí đầu cơ mà NH Nhà nước chưa kiểm soát, nguồn cung vàng đấu thầu khó đáp ứng đủ cầu. |
Theo Người Lao Động