Xuất khẩu giày dép của Việt Nam từ đầu năm đến nay vẫn tăng trưởng mạnh, đặc biệt qua nhiều thị trường.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu giày dép các loại từ đầu năm đến ngày 15-6 đạt trên 3,6 tỉ đô la Mỹ, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xét từng thị trường, trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang hai thị trường lớn nhất của ngành da giày là Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ lần lượt đạt 1,09 tỉ đô la Mỹ (tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái) và 1,04 tỉ đô la Mỹ (tăng 20,4%). Hai thị trường này chiếm 66,3% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam.
Ngoài ra, xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang một số nước vốn không phải là thị trường truyền thống của ngành da giày cũng tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm nay. Chẳng hạn như, xuất khẩu sang Thái Lan tăng trên 43% so với cùng kỳ năm ngoái (với kim ngạch gần 10 triệu đô la Mỹ), sang Achentina tăng 39% (đạt trên 18 triệu đô la Mỹ), Israel tăng 35% (6,7 triệu đô la Mỹ), Slovakia tăng 33% (31 triệu đô la Mỹ), Nga tăng trên 31% (33,8 triệu đô la Mỹ),...
Trước đó, theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da Giày Việt Nam (Lefaso), xuất khẩu giày dép qua Mỹ - thị trường lớn thứ hai của ngành da giày Việt Nam - tăng mạnh trong những tháng đầu năm nay là do các công ty của Mỹ đang đón đầu cơ hội từ Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP ) nên đến đặt đơn hàng tại Việt Nam.
Với TPP, thuế bình quân cho sản phẩm giày và túi xách của Việt Nam sang Mỹ sẽ được giảm từ 14,3% xuống còn 0%. Theo ông Kiệt, các nhà nhập khẩu Mỹ được lợi từ việc giảm thuế này nhiều hơn các doanh nghiệp da giày Việt Nam vốn sản xuất theo hình thức gia công, tức chờ khách hàng cung cấp từ mẫu mã đến vật tư.
Ngoài ra, mặc dù tình hình khó khăn kinh tế ở nhiều nước, như EU và Mỹ, nhưng trong năm ngoái xuất khẩu da giày của Việt Nam vẫn tăng trưởng 15%, với kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt 7,2 tỉ đô la Mỹ, xuất khẩu túi xách đạt 1,4 tỉ đô la Mỹ. Theo ông Kiệt, tăng trưởng này một phần là do Trung Quốc - nước xuất khẩu da giày nhiều nhất thế giới - hiện có chi phí lao động tăng cao, cùng với sự thay đổi chính sách chính trị giữa Trung Quốc với một số nước, nên một số thị trường có sự điều chỉnh, chuyển sang đặt hàng Việt Nam.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online