Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2014: Hiểu rõ các quy định đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhóm Ngân hàng thế giới công bố sáng 29-10, Việt Nam vẫn duy trì thứ hạng 99 về môi trường kinh doanh trong tổng số 189 nền kinh tế. Điều này cho thấy Việt Nam còn nhiều việc phải làm để cải thiện thứ bậc.
Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2014 xem xét mức độ cải thiện các quy định về kinh doanh, đầu tư trên văn bản, luật pháp trong khoảng thời gian từ tháng 7-2012 đến 6-2013.
Theo báo cáo, Việt Nam đã cải thiện hệ thống thông tin tín dụng bằng một nghị định thành lập một khuôn khổ pháp lý cho thành lập các tổ chức tín dụng tư nhân. Ngoài ra, Việt Nam tăng cường việc bảo hộ các nhà đầu tư bằng việc áp dụng yêu cầu công khai thông tin nhiều hơn của các công ty sở hữu công cộng trong các trường hợp giao dịch có liên quan đến các bên. Tuy nhiên, Việt Nam làm cho việc đóng thuế của các công ty trở nên tốn kém hơn bằng việc gia tăng tỷ lệ đóng góp bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp.
Trong năm qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều cải cách nhất trong khu vực với 21 cải cách, tiếp sau đó là Trung Quốc với 18 cải cách.
Lý giải về môi trường kinh doanh ít cải thiện này, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã chỉ ra 4 tác động chính, đó là chính sách thuế, bảo vệ nhà đầu tư, tiếp cận vốn tín dụng và xử lý kỹ năng thanh toán.
Xin-ga-po được xếp hạng cao nhất thế giới về môi trường kinh doanh thuận lợi, tiếp sau là khu tự trị hành chính Hồng Kông, Trung Quốc. Niu Di-lân, Ma-lai-xi-a, và Hàn Quốc nằm trong số 10 nước đứng đầu.
Phi-lip-pin nằm trong số các nền kinh tế có nhiều cải thiện nhất trong năm nay.
Đây là năm đầu tiên dữ liệu được thu thập cho My-an-ma. Quốc gia này được xếp hạng thấp nhất trong khu vực về môi trường kinh doanh thuận lợi, đứng thứ 182 trên 189 nền kinh tế được xếp hạng.
Báo cáo năm nay tập trung vào những nghiên cứu điển hình nổi bật như hệ thống tòa án điện tử của Hàn Quốc, hệ thống kê khai và trả thuế điện tử của Ma-lai-xia, và hệ thống thương mại điện tử một cửa của Xin-ga-po.
Bà Hằng cho biết, thời gian đóng thuế chiếm gần 1/3 thời gian hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là một gánh nặng quá lớn đối với các doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, dù việc bảo vệ các nhà đầu tư đã có những bước cải thiện nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa được tiếp cận tốt với các nguồn vốn tín dụng mà đối tượng cổ đông là nguồn căn bản hỗ trợ. Các doanh nghiệp muốn đổi mới doanh nghiệp và công nghệ cần dựa vào số cổ đông này.
Theo bà Hằng, báo cáo là một tài liệu tham khảo tốt để từ đó Việt Nam có thể học hỏi từ các nước đã có những chuyển biến đáng kể để tăng thứ bậc, dựa trên 10 nội dung chính là thành lập doanh nghiệp, cấp phép xây dựng, tiếp cận điện năng, đăng ký tài sản, vay vốn tín dụng, bảo vệ nhà đầu tư, nộp thuế, thương mại quốc tế, thực thi hợp đồng và thanh toán.
Trong khi đó, theo ông Trần Đình Thiên, Giám đốc Viện Kinh tế Việt Nam, bảng xếp hạng cho thấy điểm tốt và điểm chưa thuận lợi trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Để tăng bậc, Việt Nam cần chú trọng nhiều vào khâu nộp thuế bởi đây là bài toán trường kỳ của Việt Nam.
Liên quan đến việc bảo vệ các nhà đầu tư, ông Thiên cho biết, trong 2-3 năm trở lại đây, rất nhiều doanh nghiệp đóng cửa, cho thấy nỗ lực bảo đảm cho doanh nghiệp chống rủi ro vẫn kém.
Về thứ bậc 99 của Việt Nam, ông Thiên cho rằng, đây là áp lực mà cũng là động lực để Việt Nam có những bước điều chỉnh phù hợp để tăng chất lượng môi trường kinh doanh của mình.
Đồng tình với ý kiến trên, bà Wendy Werner, Giám đốc quản lý Dịch vụ tư vấn Môi trường đầu tư, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) khu vực Đông Á-Thái Bình Dương và ông Sameer Goyal, Điều phối viên Quốc gia về Lĩnh vực Tài chính và Phát triển Khu vực Tư nhân cho Việt Nam thuộc WB nhấn mạnh Việt Nam cần tiếp tục cải cách, càng nhanh càng tốt, để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo Báo điện tử Quân đội nhân dân