Năm 2014 dự báo kinh tế thế giới tiếp tục khởi sắc nhưng vẫn còn nhiều khó khăn làm sụt giảm nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ có chiều hướng gia tăng gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, sẽ có nhiều cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam khi kinh tế vĩ mô đã có những chuyển biến tích cực, lạm phát được kiểm soát, chính sách tiền tệ, ngoại hối ổn định... Chính vì vậy, chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu 2014 tăng 10%, ước khoảng 147 tỷ USD được Quốc hội giao cho ngành công thương vẫn có nhiều dư địa để hoàn thành.
Ấn tượng xuất khẩu 2013
Mặc dù trong năm, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn như giá xuất khẩu một số mặt hàng giảm, thị trường xuất khẩu tại một số địa bàn bị thu hẹp..., song nhờ thích ứng tốt, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã đạt kim ngạch xuất khẩu cao, vượt mục tiêu đề ra. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 132,17 tỷ USD, tăng khoảng 15,4% so với năm 2012, tương đương với 17,64 tỷ USD, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra (tăng 10%).
Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Năm 2013, cả nước có 22 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD; lần đầu tiên xuất khẩu mặt hàng rau quả đã vào danh sách nhóm xuất khẩu trên 1 tỷ, đây là một trong những tín hiệu tốt cho phát triển xuất khẩu của ngành nông nghiệp.
Về giá xuất khẩu năm 2013: giá hàng hóa xuất khẩu năm 2013 hầu hết đều giảm, tính chung nhóm hàng nông sản và khóang sản do giá giảm đã làm cho KNXK giảm 1,28 tỷ USD. Tính chung giữa giảm giá và giảm lượng của 2 nhóm hàng hóa đã làm giảm 3,8 tỷ USD KNXK.
Cơ cấu các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030, cụ thể nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng cao nhất 71% (tăng 6% so với cùng kỳ), theo sau lần lượt là nhóm hàng nông sản, thủy sản 15% (giảm 3%) và nhóm hàng nhiên liệu khóang sản 7% (giảm 3%).
Điểm đáng chú ý trong năm 2013 là xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước bắt đầu khôi phục và có xu hướng tăng dần. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực này ước tăng trưởng ở mức 3,5% (năm 2012 là 1,2%) và kim ngạch nhập khẩu tăng 5,6% (năm 2012 giảm 7%).
Nhóm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng góp lớn cho tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, nếu như năm 2013 kim ngạch xuất khẩu tăng 17,6 tỷ USD so với năm 2012 thì chỉ tính riêng 2 mặt hàng điện thoại các loại, linh kiện và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đóng góp 11,6 tỷ USD vào sự gia tăng này.
Xuất khẩu sang thị trường khu vực truyền thống giữ vững: do khủng hoảng kinh tế, sức mua thị trường thế giới suy giảm, tuy nhiên các thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như thị trường Đông Nam Á, EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ tiếp tục được giữ vững và tăng trưởng.
Lần thứ hai liên tiếp kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007 Việt Nam xuất siêu, (năm 2007 Việt Nam nhập siêu với tỷ lệ 29,1%, năm 2008 tỷ lệ 28,8%, năm 2009 tỷ lệ 22,5%, năm 2010 tỷ lệ 17,5%, năm 2011 tỷ lệ 10,1% so với kim ngạch xuất khẩu, nhưng năm 2012 Việt Nam đã xuất siêu 749 triệu USD, năm 2013 ước xuất siêu 863 triệu USD).
Thách thức cho năm 2014
Bước vào thực hiện kế hoạch năm 2014, cùng với việc chuẩn bị hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 và ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các Hiệp định thương mại tự do với EU, với liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan và với các đối tác lớn khác, sẽ mở ra những thuận lợi và cơ hội phát triển mới. Bên cạnh đó, nền kinh tế thế giới đang biến chuyển tích cực hơn khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa Việt Nam gia tăng, hứa hẹn một năm nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Thời gian tới, ngành công thương đã đề ra nhiều giải pháp mang tính chất đột phá, như phát triển xuất khẩu các mặt hàng mới là các mặt hàng chế tạo có công nghệ trung bình và công nghệ cao, phù hợp với xu hướng tiêu thụ của thị trường thế giới và định hướng chiến lược xuất khẩu với lợi thế của Việt Nam. Bộ Công Thương không khuyến khích và có lộ trình phù hợp hạn chế đầu tư sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp hoặc lĩnh vực sản xuất gây ô nhiễm môi trường.
Về giải pháp thức đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, tạo thêm nguồn hàng cho xuất khẩu; Tăng cường tìm kiếm, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu; Tăng cường kinh phí thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2014 theo hướng chú trọng mở rộng thị trường ở các nước đang phát triển, các thị trường tiềm năng và thị trường mới nổi.
Việc đẩy mạnh hoạt động đàm phán các FTA cũng sẽ được tăng cường chú trọng, đồng thời tiếp tục tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến để các doanh nghiệp tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi về tiếp cận thị trường và cắt giảm thuế quan ngày càng sâu hơn của các đối tác để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA. Chú trọng cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ…
Theo vccinews