Một năm sau lệnh ngừng cấp phép cho tàu nước ngoài chạy tuyến nội địa, một số doanh nghiệp vận tải biển khẳng định đã hết lỗ, đang đầu tư thêm phương tiện để chạy trong nước.
Bà Đỗ Thị Ngọc Trang, Phó giám đốc Công ty vận tải Biển Đông cho hay hơn một năm trước, khi tàu ngoại vẫn được chạy trên các tuyến nội địa, công ty bà có 7 tàu thì phải cho thuê 2, số còn lại cũng không có hàng để hoạt động thường xuyên nên phải nằm bờ rất nhiều.
“Nhưng nay thì khác, hai tàu cho thuê đã lấy về, tất cả 7 tàu hoạt động đều đặn”, bà Trang nói.
Sau khi lệnh cấm áp dụng từ 1/4/2013, Công ty Vận tải Vosco cũng nhanh chóng kéo các tàu chạy tuyến quốc tế về chạy chặng nội địa. Tương tự, dù đã có 3 tàu chạy tuyến Hải Phòng – TP HCM, Công ty Vận tải Vinapco đã mạnh dạn đầu tư thêm một tàu container để mở tuyến Hải Phòng – Đà Nẵng. Doanh nghiệp này cho biết sản lượng hàng trung bình trên tuyến nội địa của hãng đã tăng trung bình 5% so với năm trước đó.
Nhiều hãng vận tải biển nhỏ hơn như VietSun, Hải An, Tân Cảng nói rằng đang tính phương án thuê thêm tàu từ các doanh nghiệp khác để tăng số lượng tàu, mở thêm tuyến mới trong nội địa như Hải Phòng đi Cửa Lò, Quy Nhơn...
Theo thống kê của Cục Hàng hải, tính đến 1/4/2014, sản lượng vận tải biển nội địa sau một năm đã tăng 10%. Dù vậy, thị trường vẫn còn tình trạng mất cân đối 2 chiều. Trong khi các tàu từ Nam ra Bắc luôn đầy hàng thì chiều ngược lại chỉ đáp ứng 50%-60% sức chở.
Tổng kết lại một năm ngừng cấp phép cho tàu ngoại để tăng thị phần cho đội tàu Việt Nam, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Bùi Thiên Thu cho biết, trong một năm qua đơn vị này chịu sức ép khá lớn vì những nghi ngại từ phía chủ hàng rằng đội trong nước không đáp ứng được, hàng hóa sẽ ùn ứ và cả lo ngại tình trạng tăng giá, độc quyền. “Đến giờ này, báo cáo từ các cảng, từ doanh nghiệp đều khẳng định không có hiện tượng ùn ứ, giá không những tăng mà thậm chí còn giảm”, ông Thu nói.
Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) - Bùi Việt Hoài nhớ lại hơn một trước, khi bàn về chủ trương này, cả chủ hàng lẫn cơ quan quản lý đều rất nghi ngại. Khi ấy, Vinalines với tư cách anh cả của đội tàu Việt đã phải viết cam kết luôn sẵn sàng tàu để không gây ách tắc ở tất cả các cảng cũng như không để tăng cước. “Nếu có Vinalines phải chịu trách nhiệm. Sau 2 tháng, có chủ hàng kêu và ngay cả chủ nhật chúng tôi cũng phải đi xuống cảng cảng xem xét nhưng kiểm tra tất cả đều ổn, từ giá, chất dịch lẫn chuyện không ách tắc”, ông Hoài kể.
Tổng thư ký Hiệp hội chủ tàu Việt Nam Đỗ Xuân Quỳnh cho biết thêm, thời điểm ấy tổ chức này cũng cam kết như trên. Rất may, đến nay cước không tăng mà thậm chí còn giảm, khả năng cung ứng tàu dư thừa nên các chủ hàng đã yên tâm lựa chọn đội tàu Việt Nam.
“Đúng là các chủ hàng đã rất lo lắng, nhưng đến nay khả năng đáp ứng của đội tàu nội, từ giá, dịch vụ đến sức chở đều đã khiến chúng tôi tin tưởng”, Tổng thư ký Hiệp hội chủ hàng Phan Thông nhận xét.
Ông Bùi Thiên Thu nhận định: Bức tranh vận tải biển nội địa nhờ chủ trương này đã trở nên sáng sủa hơn. Doanh nghiệp nhờ vậy cũng khẳng định dễ thở hơn dù chưa có lãi nhiều. “Miếng bánh thị phần nội địa đã được giành lại, tuy nhiên, giữ được hay không hoàn toàn phụ thuộc vào các doanh nghiệp. Bộ Giao thông không nói sẽ dành hoàn toàn hay mãi mãi cho tàu nội mà chúng tôi luôn giám sát. Nếu đội tàu nội không đáp ứng được những yêu cầu như khả năng cung ứng, giá dịch vụ thì cơ quan quản lý sẽ xem xét lại lệnh cấm này”, ông Thu cảnh báo.
Theo VnExpress