Dọc tuyến đường Xuyên Á hình thành một khu chợ chỉ kinh doanh một mặt hàng, đó là chợ muối nằm trên địa bàn xã An Thạch, Huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Mỗi ngày có hàng trăm người dân Campuchia kéo qua mua muối.
Thu hút khách nước ngoài
Chỉ trên đoạn đường hơn 3km có hơn 40 địa điểm bám muối nằm rải rác. Chợ hoạt động từ tờ mờ sáng kéo đài hơn 10 giờ tối. Những điểm bán muối chỉ là những căn chòi dựng tạm bợ, bày các bao muối từ 1 đến 2 kg, nhiều nhất những bao lớn có trọng lượng lên tới hàng chục.
Ông Trần Ngọc Lãm (64 tuôi, dân địa phương) cho biết, cách đây hơn chục năm người dân Campuchia muốn mua muối của Việt Nam phải vào Sài Gòn để mua. Lúc đó muối tập trung chợ Hóc Môn. Từ khi giải phóng, chợ muối Hóc Môn thành chợ nông sản.
Đáp ứng nhu cầu bà con nước láng giềng, một số người dân đã tự lập chòi để buôn muối. Kể từ đó đường Xuyên Á, đoạn qua xã An Thạch được nhiều người tạm gọi là chợ muối.
Ông Lãm cho biết thêm: “Đối với bà con trong nước, ở Tây Ninh đặc sản nổi tiếng muối tôm Trảng Bàng. Tuy nhiên, người dân Campuchia với họ Tây Ninh chỉ có đặc sản muối hầm, muối hột mà thôi”.
Trong mỗi bữa ăn, gia vị muối không thể thiếu, đặc biệt với đất nước Campuchia khi mà nghề muối ít phát triển. Nguyên nhân do đường biển không nhiều, mưa hay xảy ra ở tỉnh giáp biển. Đất nước luôn trong tình trạng kham hiếm muối.
Khu chợ muối vùng biên chỉ cách cửa khẩu Bavét (Campuchia) chỉ vài ki-lô-mét. Rất thuận lợi cho việc mua và bán. Thế nên, mỗi ngày có trăm người kéo nhau sang Việt Nam chở từng bao muối về nước họ.
Anh Rien Mít (tỉnh SVây-riêng, Campuchia) tâm sự bằng tiếng Việt: “Lần này có cơ hội sang Việt Nam, việc đầu tiên tôi phải đến khu chợ này mua muối. Không chỉ mua cho gia đình mà còn mua cho nhiều bà con hàng xóm. Muối ở nước tôi bán giá cao hơn ở Việt Nam. Vị muối không ngon như mua ở đây”.
Nhờ muối thoát nghèo
Chị Trần Bích Ngọc (quê Gò Công, Tiền Giang) cho biết: “Trước kia nhà tôi chỉ trồng lúa. Nhưng với nghề nông chẳng biết khi nào giàu. Một lần tình cờ đi đám cưới em gái ở Campuchia, tôi phát hiện ở đây muối sinh hoạt rất hiếm. Nảy ý định buôn bán muối, bàn với chồng rồi tích góp được số vốn, mua muối ở biển Gò Công chạy lên Tây Ninh theo đường sông để bán”.
Nhiều hộ dân khác, thấy việc bán muối ở tuyến đường Xuyên Á “có ăn” đã bắt chước làm theo, dần dần hình thành khu chợ.
Tây Ninh không hề giáp biển, cho nên không thể tự sản xuất ra muối. Đa phần muối ở đây được thương lái mua lại của diêm dân ở Cần Giờ (TP.HCM), Gò Công (Tiền Giang), Bà Rịa-Vũng Tàu…
Theo chị Ngọc, giá muối ở đây mỗi kg giao động từ 2-3 rieal (tức 12.000-18.000 đồng). Khách Campuchia mỗi lần mua từ 10-50 kg, thậm chí có người mua hàng tấn để mang về nước bán lại kiếm lời.
Khách trong nước cũng mua nhưng ít, tập trung vào ngày cuối tuần, bà con đi siêu thị miễn thuế tiện thể ghé vào mua vài kg về dùng cho gia đình.
Một thưởng lái bật mí: “Trừ khoản vận chuyển, thuê nhân công bốc vác mỗi ngày lời tầm 400-700 ngàn đồng”.
Có thể nói rằng, khu chợ này hình thành đã góp phần giúp nhiều người dân vượt khó. Tăng tình cảm giữa nhân dân hai bên biên giới.
Theo Vinanet