Do được hưởng nhiều ưu đãi từ Hệ thống ưu đãi phổ cập GSP và sự hồi phục tại các thị trường, xuất khẩu của ngành da giày 4 tháng đầu năm đã đạt được mức tăng trưởng ấn tượng.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, tháng 4/2014 ngành da giày đã xuất khẩu 730 triệu USD sản phẩm giày dép các loại, tính chung 4 tháng đầu năm ngành đã xuất khẩu 2,850 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm túi xách, vali, ô dù, mũ của ngành cũng tăng tới 48,1%, đạt 821 triệu USD.
Tình hình xuất khẩu sang các thị trường, nhất là thị trường truyền thống của ngành cũng rất khả quan. Cụ thể, 3 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu của ngành sang thị trường Mỹ đã tăng 23,6%, đạt trên 674 triệu USD; thị trường Nhật Bản tăng 40,1%, đạt trên 142 triệu USD; thị trường Bỉ tăng 37,2%, đạt trên 144 triệu USD; thị trường Đức tăng 28%, đạt trên 107 triệu USD; thị trường Pháp tăng 31,5%, đạt trên 48,4 triệu USD…
Đáng lưu ý, kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường nhỏ, thị trường ngách của ngành đã tăng đột biến, như: thị trường Chile tăng 80,85%, đạt 17,2 triệu USD; thị trường Israel tăng 120,41%, đạt 7,3 triệu USD; thị trường Hy Lạp tăng 78,2%, đạt 5,1 triệu USD; thị trường Ba Lan tăng 161,7%, đạt 5,5 triệu USD…
Có thể thấy, sự tăng trưởng ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam những tháng đầu năm có sự hậu thuẫn lớn từ những ưu đãi thuế quan phổ cập GSP mà Liên minh châu Âu đã dành cho Việt Nam. Hơn nữa, sự phục hồi về tiêu dùng từ các thị trường xuất khẩu chính, đặc biệt là thị trường EU cũng là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam. Thời điểm hiện tại nhiều doanh nghiệp trong ngành đã ký được hợp đồng đến hết tháng 8/2014.
Theo Hiệp hội Da giày Việt Nam, cơ hội tăng trưởng xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam là rất khả quan bởi ngoài những yếu tố thuận lợi về thị trường, ưu đãi thuế quan phổ cập GSP, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng sẽ tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong tương lai gần. Sản phẩm giày, dép, túi xách…của Việt Nam cũng sẽ có lợi thế cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Nhật Bản và các thị trường thành viên khối TPP.
Để nắm bắt những cơ hội và tín hiệu tốt từ thị trường, theo Hiệp hội Da giày Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành cần tăng cường đầu tư nâng cấp công nghệ, hiện đại hóa sản xuất, phát triển thương hiệu nhằm tăng cả chất và lượng cho sản phẩm xuất khẩu.
Bộ Công Thương cho biết, hiện xu hướng tiêu dùng đồ da tại các thị trường nhập khẩu ngày càng tăng, xu thế thay thế đồ nội thất bằng gỗ sang sử dụng da thuộc đang trở thành trào lưu. Do vậy, các doanh nghiệp trong ngành cần đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất da thuộc trong nước nhằm đón đầu xu hướng tiêu dùng và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu./.
Theo VEN