|
Chiều 3-7, phát biểu tại Diễn đàn kinh doanh thường niên lần thứ nhất “Việt Nam - Cơ hội mới” do Forbes Việt Nam tổ chức tại TPHCM, với sự tham dự của nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp đối với sự phát triển của kinh tế Việt Nam.
Phó Thủ tướng cho rằng, thách thức lớn của Việt Nam là làm sao cho những năm tới đây Việt Nam phải đạt được tăng trưởng 8% - 9% như những năm 90, nếu vẫn duy trì mức 5% - 6% như hiện nay thì sẽ rất khó đạt được mục tiêu phát triển. Mục tiêu này đang đặt ra nhiều việc cần phải thay đổi cho Chính phủ, cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng để phát triển kinh tế nhanh hơn, bền vững hơn. Trong nhiều điểm “nghẽn” cần đổi mới, vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính là một trong những ưu tiên mà Chính phủ đã đặt ra. Theo như khảo sát, trong 1 năm, một doanh nghiệp tại Việt Nam phải mất hơn 800 giờ cho thủ tục giấy tờ, trong khi đó, các nước ASEAN chỉ mất hơn 100 giờ. Để cải thiện, giảm xuống mức ngang bằng như các nước trong khu vực là mục tiêu Việt Nam đang nỗ lực, cần thiết và phải làm được.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, ngoài các cam kết cải cách thủ tục hành chính thì kinh tế Việt Nam cần một cú hích lớn hơn, Chính phủ cần tạo dựng, duy trì sự độc lập ở các cơ quan quản lý. Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, chia sẻ, trong hơn 20 năm qua, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng tích cực so với nhiều nước phát triển trong khu vực. Với tăng trưởng hơn 5% như hiện nay của Việt Nam là không hề thấp, Việt Nam thu hút FDI tốt hơn nhiều nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ. Liệu Việt Nam có muốn đạt được mức tăng trưởng cao như thời đổi mới? Đây là một thách thức cho Việt Nam trong vấn đề vĩ mô. Và những vấn đề Việt Nam cần thay đổi là làm sao để tạo năng suất lao động tốt hơn, sử dụng nguồn nhân lực, tài nguyên tốt hơn…
Nguồn: Báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
|