TS Trần Đình Bá cho biết,chỉ có dọn sạch “pháo đài bảo thủ” ngay trong Cục HKVN, đội ngũ lãnh đạo hàng không mới chấn chỉnh được trật tự và an toàn bay.
Trước những sự cố hàng không liên tục xảy ra thời gia gần đây – phóng viên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam có cuộc trao đổi TS Trần Đình Bá - chuyên gia am hiểu lĩnh vực hàng không nước nhà!
- Thời gian qua tại Việt Nam liên tiếp đã xảy ra nhiều sự cố điều hành không lưu tới mức mất kiểm soát. Cụ thể, chuyến bay HVN7826 của Vietnam Airlines (VNA) lăn nhầm đường lăn tại cảng hàng không Phú Quốc ngày 20/7, sự cố ngày 7/8/2014 giữa máy bay Vietnam Airlines và Vietjet Air suýt đâm nhau vì độ cao... Thưa ông, những sự cố như vậy nguyên nhân do đâu? Vì sao?
TS Trần Đình Bá: Chỉ trong vòng một tháng, hệ thống kiểm soát không lưu của Việt Nam phạm ba lỗi không thể tưởng tượng cho thấy thảm họa hàng không có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào.
Chủ trì họp báo chiều tối 31/7 về kết quả kỳ họp tháng 7 của Chính phủ, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - ông Nguyễn Văn Nên cho biết: “Chính phủ đặc biệt quan tâm vấn đề an toàn hàng không!”, vậy mà qua tháng 8 lại “vênh” trong điều hành không lưu ở Việt Nam đã tới mức báo động nghiêm trọng, bộc lộ những sơ hở lớn trong quản lý nhà nước về hàng không, đặc biệt là đe dọa an toàn không. Đây thể hiện sự bất lực của Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), người chịu trách nhiệm trước Chính phủ - Bộ GTVT về thực thi luật HKDDVN 2006.
|
Ảnh minh họa. |
Việc chủ quan coi thường an toàn hàng không đã có hệ thống từ nhiều năm trước. Chính cục HKVN đã cho phép xây đài kiểm soát không lưu cao vượt quá 9m theo giấy phép, vừa phạm Luật Xây dựng và luật HKDD, đe dọa tính mạng của hành khách trên các chuyến bay và tính mạng nhân viên điều hành không lưu ngồi làm việc 24/24 trên đó.
Dù đã có quy phạm quy chuẩn chiếu sáng sân bay nhưng máy bay vẫn liều lĩnh cất hạ cánh trong tình trạng “mù” do thiếu đèn giữa lúc mưa to, sương mù tại sân bay Vinh, Đồng Hới… liều lĩnh khi thiếu tầm nhìn, nhiều chuyến phải quay lại gây lãng phí lớn.
Ngay việc sơn vạch ký hiệu trên đường băng cũng thiếu để xảy ra vụ máy bay VN7826 cơ trưởng nhầm đường lăn tại cảng hàng không quốc tế Phú Quốc ngày 20/7 vừa qua. Hay sự cố ngày 7/8/2014, máy bay Vietnam Airlines và Vietjet Air trong vùng thông báo bay Fir HCM suýt đâm nhau vì độ cao. Các vụ hạ cánh nhầm sân bay, suýt đâm nhau trên không, trả lời bàn giao tiếp nhân Fir chậm tới 17 phút... thuộc về trách nhiệm của không lưu và Cơ trưởng.
Mặc dù, Cục HKVN đã đề nghị nhiều hình thức xử lý rất nghiêm khắc song vẫn không thuyên giảm mà ngày càng tăng. Điều này cho thấy lỗi hệ thống rất nặng trong điều hành của Cục HKVN...
- Thảm họa hàng không xảy ra thì ai chịu trách nhiệm, liệu có phải người chịu thiệt chính là các hành khách trên chuyến bay?
TS Trần Đình Bá: Thảm họa nếu xảy ra thì vô cùng thảm khốc cho cả hai máy bay. Không chỉ cho toàn bộ phi hành đoàn và hành khách trên máy bay mà còn đe dọa đến tính mạng của cư dân dưới mặt đất hoặc trong sân bay.
- Gần đây, hàng loạt các tai nạn máy bay đang xảy ra việc các phi công không nghe lệnh bay của điều hành không lưu có phải là một phần nguyên nhân?
TS Trần Đình Bá: Các tai nạn an toàn hàng không xảy ra do nhiều nguyên nhân như thời tiết, trục trặc kỹ thuật của phương tiện, năng lực của cơ trưởng, người điều hành không lưu và các hiện tượng phá hoại – khủng bố.
Hàng không nước ta rất thuận lợi về địa hình, thời tiết khí hậu song hiện nay đang trì trệ ở tư duy quản lý của Cục HKVN nên hàng không nước ta đang tụt hậu, tồi tệ xếp cuối bảng trong ASEAN.
Nguyên nhân có thể kể đến ở đây là do bảo thủ, không chịu đổi mới nên kinh tế hàng không ngày càng trì trệ, thiếu phương tiện bay, thiếu phi công. Đội ngũ phi công thiếu, phải thuê người nước ngoài, nhiều phi công của ta mới đào tạo còn thiếu kinh nghiệm. Đây là nguyên nhân chính của thực trạng hàng không nước nhà...
- Lỗi hệ thống điều hành không lưu vừa qua có phải chỉ xảy ra ở Việt Nam? Các hãng bay quốc tế có rơi vào tình trạng này không, thưa ông?
TS Trần Đình Bá: Mỗi phút, bầu trời các nước châu Âu, châu Á, châu Mỹ, châu Úc, Phi… và các nước ASEAN dày đặc máy bay đan xen nhau. Sân bay cứ 3 - 5 phút có một chuyến cất hạ cánh mà điều hành không lưu vẫn trôi chảy, an toàn, nhịp nhàng trong khi các đường bay ở nước ta lại ít, các sân bay đìu hiu mà đã kêu tắc nghẽn đường hàng không, rồi quá tải sân bay…
Trong khi đó, Cục HKVN lại thiếu hiểu biết khi kêu quá tải đường hàng không – phải làm đường bay song song hai chiều như đường sắt cao tốc. Rồi phải lập đường bay cao tốc nội địa.
Đội ngũ tiến sỹ hàng không có tới trên trăm người và tiến sỹ chuyên vận GTVT có cả ngàn người, ngành hàng không có cả một Học viện HKVN song dường như Cục HKVN không chịu lắng nghe chuyên gia.
Từ “bệ phóng” của một cường quốc Không quân đã từng đánh thắng “siêu cường”, đội ngũ phi công giỏi thông minh quả cảm trở thành phi hành gia đầu tiên châu Á bay vào vũ trụ, nay Việt Nam có nền hàng không tụt hậu nhất xếp cuối bảng, chất lượng phục vụ thua xa Lào – Campuchia, Mianma...
Đặc biệt, hiện Vietnam Airlines đang rơi vào khủng hoảng, nảy sinh nhiều tiêu cực và đe dọa an toàn bay, thị phần vận tải hàng không chỉ 12 triệu hành khách/năm, đứng cuối bảng trong 5 loại hình vận tải. Đây là một bức tranh không mấy sáng sủa cho hàng không nước nhà, để lại hậu quả nặng nề trên mặt trận GTVT!
- Cần phải có biện pháp như thế nào để ngặn chặn tình trạng này, thưa ông?
TS Trần Đình Bá: Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh vừa họp báo tại bộ GTVT công bố thanh tra Cục HKVN. Bộ trưởng GTVT còn đề nghị bộ Công An cử đặc phái viên làm cục phó Hàng không. Hy vọng việc làm kịp thời kiên quyết này mới có thể chấn chỉnh hiện tượng “vô chính phủ” tại Cục hàng không Việt Nam!
Hàng không là biểu tượng Quốc gia về vị thế Chính trị, tiềm lực Kinh tế - Quân sự - Khoa học công nghệ mà yếu tố người lãnh đạo ngành Hàng không phải biết về hàng không và phải giỏi bởi đó là một nhành đòi hỏi trình độ điều hành quản lý rất cao.
Thanh tra Cục Hàng không là cần thiết cấp bách. Chỉ có dọn sạch “pháo đài bảo thủ” ngay trong Cục HKVN, đội ngũ lãnh đạo hàng không mới có cơ chấn chỉnh được trật tự và an toàn mà hàng không đang rối ren như hiện nay...
- Vâng, xin cảm ơn ông!
Theo Giáo dục Việt Nam.
|