Không lập dự án rồi để đấyTỉnh Thái Bình không có đường sắt, hàng không vì thế việc kết nối giao thương chủ yếu bằng đường bộ và đường thủy. Tuy nhiên, hai mảng lĩnh vực này chưa được sự quan tâm đúng mức. Còn đó, cảng Diêm Điền gần như "đắp chiếu”, còn đó một số dự án đường bộ vẫn "treo”. Đó là những đánh giá của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tại buổi làm việc tháo gỡ những vướng mắc tại Thái Bình, tổ chức ngày 4-9 tại Thái Bình.
Tạo sức mạnh vận tải thủy xứng tầm
Ông Phạm Văn Sinh, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, hiện trên toàn tỉnh 151 km đường quốc lộ gồm Ql10, QL 39, QL37, QL 37B. Đường tỉnh lộ gồm 28 tuyến dài 283km, đường giao thông nông thôn gồm có đường huyện (thành phố) dài 788km, đường trục xã, thôn 4.053km. Trong gian qua, các dự án giao thông tại Thái Bình có tiến độ tốt. Tuy nhiên, để đẩy mạnh nâng cấp hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, tỉnh đã đề xuất Bộ GTVT sớm xây dựng tuyến cao tốc ven biển nối Ninh Bình - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đề nghị bố trí vốn cho dự án QL39B, đề nghị xây dựng tuyến tránh QL10 đoạn qua thị trấn Đông Hưng. Thực hiện nạo vét và xây kè chắn cát ổn định cho luồng tàu vào cảng Diêm Điền. Nạo vét khơi thông luồng các cửa sông lớn như Trà Lý, Ba Lạt để phát triển vận tải thủy nội địa và tuyến sông pha biển…
Trước những kiến nghị của tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư Bộ GTVT cho biết: Đối với dự án QL39B, hiện đang còn 2 đoạn chưa hoàn thành, đây là 2 đoạn xen kẽ của các dự án trước đây, sau rất nhiều trăn trở, Bộ đã quyết định hút vốn BOT để sớm thực hiện.
Riêng đối với dự án tuyến tránh QL10, đoạn qua thị trấn Đông Hưng, hiện tại đang có lưu lượng xe rất lớn vì thế kiến nghị cũng nên đầu tư BOT, giao nhà thầu Tasco thực hiện.
Đối với Dự án BOT cao tốc Thái Bình - Hải Phòng, Bộ trường Đinh La Thăng yêu cầu sớm khởi công năm 2017 (thay vì năm 2020 như quy hoạch trước đây). Còn với dự án cầu Sông Hóa, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ ưu tiên thực hiện trong năm 2015 bằng vốn ngân sách. Đây là dự án trọng điểm, bởi Thái Bình có quá nhiều phà và cầu phao, nhưng chưa thực sự có cầu "thông tuyến” huyết mạch. Cùng với đó, trong Quý I/2015 sẽ khởi công Cầu Cọ và hút vốn BOT xây dựng cầu Thái Hà, bắc qua sông Thái Bình, dự kiến khoảng 2.500 tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, bên cạnh việc phát triển đường bộ, thì đường thủy tại Thái Bình cũng hết sức quan trọng và có đặc thù riêng, thế nhưng lĩnh vực này dường như chưa có sự đầu tư xứng đáng. Cụ thể như cảng Diêm Điền, Bộ GTVT đã kêu gọi xã hội hóa, nhưng không ai tham gia.
Không để ám ảnh giải phóng mặt bằng
Để gỡ vướng cho các dự án giao thông tỉnh Thái Bình, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: Bao bọc xung quanh Thái Bình là sông và biển, vì thế giao thông đi lại khó khăn, việc phát triển giao thông là điều kiện tiên quyết thúc đẩy kinh tế xã hội tỉnh.
Bộ trưởng yêu cầu phải tăng tốc cho các dự án đường bộ như: QL39 thực hiện sớm giải phóng mặt bằng để khởi công ngay trong Quý I/2015. Đặc biệt, tỉnh phải làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, không để vướng mắc này làm ảnh hưởng tiến độ dự án. Ông Thăng nói: "Tôi bị Đại biểu Quốc hội Thái Bình chất vấn suốt về dự án có nguy cơ chậm tiến độ, nhưng khi điều tra, hóa ra lại tắc ở giải phóng mặt bằng. Vì thế, phải tập trung xử lý triệt để "nút thắt” này”. Đồng thời, kiên quyết rà soát quyết không để tồn tại các dự án quy hoạch treo.
Về việc đẩy mạnh phát triển hàng hải, Bộ trưởng giao Sở GTVT tỉnh Thái Bình phối hợp với tỉnh thực hiện ngay trong Quý 4/2014. Đây là cầu nối quan trọng trong vận chuyển hàng hóa tuyến sông pha biển. Bộ trưởng nhấn mạnh: "Việt Nam là quốc gia biển, trong đó vận tải biển với mức giá rất hợp lý. Việc phát triển hàng hải, cảng đường thủy nội địa, cùng bến bãi kết nối với đường bộ sẽ đem lại những thành công lớn”.
Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm kiểm soát tải trọng và kinh doanh vận tải, khẳng định đây là chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ. Không có chuyện nửa vời, Bộ GTVT sẽ làm đến cùng, dứt khoát xử lý xe quá tải, kẻ thù nguy hiểm tàn phá các cung đường.
Theo Đại đoàn kết.