Vậy, Hải quan Việt Nam đã đạt được những kết quả gì trong tiến trình cải cách, hiện đại hóa và sẽ có những mục tiêu, giải pháp nào để sớm “sánh vai” cùng Hải quan các nước tiên tiến trên thế giới như chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ? Nhân kỷ niệm 69 năm thành lập Hải quan Việt Nam (10/9/1945-10/9/2014), Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Báo Hải quan.
Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực XNK, trong đó có thủ tục hải quan đang là vấn đề “nóng” thu hút sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội. Đề nghị Tổng cục trưởng cho biết đến nay Tổng cục Hải quan đã đạt những kết quả cụ thể nào trong cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa hải quan?
Công cuộc cải cách, hiện đại hóa hải quan đã được thực hiện thống nhất, thường xuyên, liên tục trong suốt nhiều năm qua, được bắt đầu từ năm 1994 theo Nghị quyết 38-CP của Chính phủ về cải cách một bước về thủ tục hành chính Nhà nước trong giải quyết công việc của công dân và tổ chức.
Trong bối cảnh triển khai công cuộc cải cách thủ tục hành chính hiện nay của Chính phủ, Tổng cục Hải quan xác định cải cách, hiện đại hóa Hải quan là một đòi hỏi tất yếu từ thực tiễn phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập của đất nước, đồng thời xuất phát từ thực trạng, nguồn lực quản lý của ngành Hải quan. Trọng tâm là cải cách thủ tục hải quan dựa trên phương pháp quản lí hải quan hiện đại theo hướng tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ và cam kết quốc tế, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.
Hiện nay, ngành Hải quan đang trong quá trình thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 và Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2011-2015 (đây là kế hoạch lần thứ 3, kế tiếp 2 kế hoạch của giai đoạn 2004-2006 và 2008-2010). Có thể nói, Tổng cục Hải quan đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, đặc biệt là 6 lĩnh vực trọng tâm bao gồm:
Thứ nhất, thực hiện thủ tục hải quan điện tử sau quá trình thí điểm và mở rộng thí điểm, đến nay, thủ tục hải quan đã được thực hiện chính thức và “phủ sóng” trên phạm vi cả nước; thủ tục đã được chuyển đổi căn bản từ phương thức thủ công sang điện tử.
Thứ hai, triển khai thành công bước đầu Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS. Việc triển khai Hệ thống này được thực hiện đúng kế hoạch, không gây xáo trộn đối với hoạt động XNK, tạo dựng được nền tảng CNTT vững chắc. Đây là bước đi quan trọng để nâng cao chất lượng thực hiện thủ tục hải quan điện tử dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến của Nhật Bản, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng DN và nâng cao hiệu quả quản lí Nhà nước về hải quan.
Thứ ba, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và Cơ chế một cửa ASEAN đảm bảo cam kết của Chính phủ. Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương thực hiện kết nối kĩ thuật NSW (tháng 2-2014) và phấn đấu kết nối chính thức vào tháng 11 và tháng 12-2014. Đồng thời tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của NSW với các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường.
Thứ tư, đẩy mạnh thực hiện Chương trình DN ưu tiên để nâng cao hiệu quả của quan hệ đối tác Hải quan- DN. Tổng cục Hải quan đang áp dụng chế độ ưu tiên cho 24 DN và phấn đấu đến cuối năm có thể nâng con số này lên 25 hoặc 30 DN.
Thứ năm, nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính; Thực hiện việc tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, cấp số và phân luồng tờ khai trong vòng từ 1 đến 3 giây. Trước đây, theo Tuyên ngôn phục vụ khách hàng Tổng cục Hải quan cam kết thực hiện quy trình thủ tục này tối đa 30 phút… Đã chủ trì thực hiện cấu phần Nghiên cứu thời gian giải phóng hàng của dự án “Hỗ trợ kĩ thuật tư vấn và chính sách vùng” nhằm công khai hóa thời gian thông quan, làm rõ trách nhiệm của cơ quan Hải quan và các cơ quan liên quan khác để có cơ sở kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cải cách thủ tục để giảm thời gian thông quan.
Thứ sáu, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát hải quan. Theo đó, song song với cải cách thủ tục hành chính phải tiếp tục đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, đảm bảo an ninh quốc gia và an toàn cộng đồng nhằm mục tiêu cải cách gắn liền với kiểm soát. Chú trọng công tác quản lí rủi ro, kiểm tra sau thông quan theo phương pháp quản lí hải quan hiện đại để chuyển mạnh việc kiểm tra từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.
Kết quả đạt được là rất đáng khích lệ và khá toàn diện. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn và chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ, khối lượng công việc đặt ra sắp tới đối với Tổng cục Hải quan là hết sức nặng nề. Xin Tổng cục trưởng cho biết những mục tiêu, giải pháp mà Tổng cục Hải quan đặt ra để sớm đưa Hải quan Việt Nam “sánh vai” với các nước tiên tiến như yêu cầu của Thủ tướng?
Về tổng thể, Tổng cục Hải quan xác định các mục tiêu và cũng là giải pháp trọng tâm để cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thời gian tới. Đó là: Tập trung triển khai có hiệu quả Luật Hải quan (có hiệu lực từ ngày 1-1-2015); Tiếp tục khẩn trương thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về NSW và một cửa ASEAN; Thực hiện đánh giá chỉ số thời gian thông quan xác định rõ thời gian từng cơ quan, từng khâu tác nghiệp để có những kiến nghị phù hợp nhằm giảm thời gian giải phóng hàng ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực; Tiếp tục đẩy mạnh công tác hiện đại hoá hải quan theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các phương tiện kĩ thuật hiện đại, áp dụng đầy đủ phương pháp quản lí rủi ro trong kiểm tra, giám sát hải quan; Tập trung nguồn lực để vận hành thành công Hệ thống VNACCS/VCIS giai đoạn I và chuẩn bị thủ tục để triển khai giai đoạn II.
Trong buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của Tổng cục Hải quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo 13 nội dung với 3 nhóm vấn đề: Xây dựng thể chế chính sách và cải cách thủ tục hải quan; Chống buôn lậu; Xây dựng lực lượng. Đây là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hết sức sát sao của Thủ tướng đối với Tổng cục Hải quan.
Ngay sau buổi làm việc, lãnh đạo Tổng cục đã khẩn trương tổ chức nhiều cuộc họp để quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện. Tập thể lãnh đạo Tổng cục thống nhất phân công từng đồng chí lãnh đạo Tổng cục trực tiếp chỉ đạo những nội dung, nhóm nội dung cụ thể và giao đơn vị nghiệp vụ chủ trì thực hiện, thời gian hoàn thành.
Một trong những chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối với Tổng cục Hải quan là giảm thời gian thông quan hàng hóa XNK bằng với mức trung bình của nhóm các nước ASEAN-6. Tổng cục Hải quan sẽ có những giải pháp, hành động như thế nào để hiện thực hóa được yêu cầu quan trọng và cấp bách này, thưa Tổng cục trưởng?
Tổng cục Hải quan xác định tinh thần phải chủ động, quyết liệt triển khai cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hóa. Chỉ đạo của Thủ tướng là mục tiêu phấn đấu, là động lực phát triển, là nguồn cổ vũ động viên trong quá trình cải cách hiện đại hóa của ngành Hải quan.
Đây là một quyết tâm chính trị cần được triển khai mạnh mẽ. Sắp tới, Tổng cục Hải quan công bố công khai kết quả đo thời gian thông quan hàng hóa (thực hiện trong năm 2013, theo đó thời gian liên quan tới thủ tục hải quan là 32 giờ, chiếm 28%), trong đó xác định cụ thể thời gian của cơ quan Hải quan, đồng thời tiếp tục lập kế hoạch đo thời gian giải phóng hàng trong thời gian tới.
Đối với ngành Hải quan, Tổng cục Hải quan xác định phải thực hiện nghiêm thời gian thông quan, cụ thể, thời gian đăng kí tờ khai không quá 5 phút, kiểm tra hồ sơ không quá 2 giờ (đối với hàng thuộc diện quản lí chất lượng), kiểm tra thực tế không quá 8 giờ đối với hàng hóa thuộc diện rủi ro cao phải kiểm tra thực tế (theo Luật Hải quan vừa được Quốc hội thông qua, những lô hàng phức tạp thời gian kiểm tra không quá 2 ngày)… Phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức đo thời gian giải phóng hàng và sự hài lòng của DN ở các Cục Hải quan địa phương, trước mắt là Cục Hải quan Bình Dương.
Tổng cục Hải quan cũng sẽ xử lí dứt điểm những vướng mắc liên quan đến việc Hệ thống VNACCS/VCIS chỉ cho phép khai tối đa 50 dòng hàng/tờ khai; không để xảy ra ách tắc ở khâu giám sát cổng cảng, ứng dụng công nghệ thông tin như hệ thống mã vạch trên tờ khai hải quan để đảm bảo giám sát ở cổng cảng không quá 3 phút; phối hợp với Ngân hàng, Kho bạc để cập nhật việc nộp thuế, lệ phí theo phương thức online vào Hệ thống Hải quan...
Đấy là những công việc nội Ngành. Thực tế, để cắt giảm thời gian thông quan hàng hóa liên quan đến công tác nhiều bộ, ngành. Với vai trò, trọng trách được xem như “trung tâm” trong thực hiện thông quan hàng hóa XNK, Tổng cục Hải quan đã và đang tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành để thực hiện hiệu quả nội dung này thông qua chuẩn bị kết nối chính NSW vào cuối năm 2014; phối hợp xây dựng mô hình quản lí thống nhất đối với hàng hóa XNK tại cửa khẩu...
Công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ đồng thời với việc chuẩn bị đưa Luật Hải quan vào áp dụng từ ngày 1-1-2015. Vậy, công tác cán bộ, tổ chức bộ máy sẽ được thực hiện như thế nào để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, thưa Tổng cục trưởng?
Có thể nói, theo quy định mới của Luật Hải quan và mục tiêu mà Tổng cục Hải quan đang hướng tới, trong tương lai mô hình tổ chức và nguyên tắc hoạt động của Hải quan Việt Nam sẽ được xây dựng theo mô hình, chuẩn mực, thông lệ quốc tế, đúng hình mẫu của một cơ quan Hải quan hiện đại, đảm bảo việc quản lí tập trung, thống nhất, đáp ứng yêu cầu trong xu thế hội nhập quốc tế mạnh mẽ của đất nước, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK và nâng cao hoạt động quản lí Nhà nước về hải quan.
Tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trong ngành Hải quan đang được quy định tại Quyết định 02/2010/QĐ-TTg ngày 15-1-2010 của Thủ tướng Chính phủ sẽ được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu hiện đại hóa. Hoạt động của Hải quan các cấp sẽ được quy định rõ ràng, cụ thể, tránh sự chồng chéo nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Hải quan.
Để thực hiện thắng lợi công cuộc cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan nói riêng và các mục tiêu, nhiệm vụ toàn Ngành nói chung, tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh: Công tác tổ chức thực hiện, vấn đề con người luôn luôn giữ vai trò quyết định. Thực tế có không ít chủ trương đúng nhưng tổ chức thực hiện ở cơ sở lại sai lệch, làm ảnh hưởng đến mục tiêu chung và chủ trương của Ngành gây dư luận không tốt.
Do đó, vấn đề con người, công tác cán bộ phải được đặt lên hàng đầu, và đòi hỏi lãnh đạo Hải quan các cấp, đặc biệt là ở đơn vị Hải quan cơ sở phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ. Chúng ta kiên quyết xử lí nghiêm những trường hợp công chức vi phạm đạo đức nghề nghiệp, có biểu hiện gây phiền hà sách nhiễu, cản trở quá trình cải cách hiện đại hóa của ngành.
Nhân dịp kỷ niệm 69 năm thành lập Hải quan Việt Nam, tôi muốn chuyển thông điệp đến toàn thể CBCC, người lao động toàn Ngành: Cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Ngành cũng là trọng trách, sứ mệnh cao cả mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Tài chính giao phó cho lực lượng Hải quan. Chúng ta phải đoàn kết, kỉ cương, ra sức, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị quan trọng này, cùng thi đua lập thành tích hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hải quan Việt Nam (10/9/1945-10/9/2015).
Xin trân trọng cảm ơn Tổng cục trưởng!
Theo báo Hải Quan