Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU sau khi được ký kết có thể sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này tăng từ 30-40%.
Thông tin trên được đưa ra tai Hội thảo “Thị trường EU- Cơ hội và thách thức mới, nhu cầu từ một số thị trường tiêu biểu” do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) tổ chức sáng 24/9, tại Hà Nội.
Theo bà Maylis Labayle, Giám đốc Chính sách thương mại của Phỏng thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocharm), kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU không ngừng tăng trưởng. Chỉ tính riêng năm 2013 đã đạt con số 26,6 tỷ Euro, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang EU tới 21,3 tỷ Euro còn nhập khẩu từ EU chỉ là 5,3 tỷ Euro.
“Đây là ưu thế để hướng tới cơ hội xuất khẩu khi FTA giữa Việt Nam-EU được ký kết. FTA giữa Việt Nam và EU khi được ký kết có thể sẽ giúp tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam tăng thêm từ 10-15% so với hiện nay. Ngoài ra, FTA sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng từ 30-40% và nhập khẩu từ EU vào Việt Nam tăng từ 20-25%," bà Maylis Labayle nhận định.'Tuy nhiên, cùng với cơ hội mở ra thì thách thức khi hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU là không nhỏ bởi đây vốn được xem là thị trường rất “khó tính”.
Cụ thể, trong chuỗi sản xuất, từ khâu nuôi trồng đến thành phẩm thì giá trị gia tăng lớn nhất nằm ở khâu chế biến, chiếm từ 50 - 70% giá trị. Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu EU lại muốn nhập sản phẩm thô hoặc sản phẩm sơ chế của Việt Nam để chế biến, trong khi định hướng xuất khẩu của Việt Nam là từng bước nâng cao giá trị xuất khẩu bằng việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa đã qua chế biến để nâng cao thu nhập cho người dân.
“Đây được xem là bài toán nan giải nhất”, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng phòng Chế biến, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay.
Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, đứng trước cơ hội và thách thức này, mỗi doanh nghiệp phải đề ra được chiến lược phát triển xuất khẩu, tạo dựng được thương hiệu để nâng cao tính cạnh tranh.
Chia sẻ quan điểm này, ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, hiện chỉ có khoảng 42% mặt hàng của Việt Nam được hưởng quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU. Tuy nhiên, nếu ký thành công FTA với EU, sẽ có ít nhất 90% mặt hàng Việt Nam được hưởng mức thuế 0%.
Vì thế, ngay từ bây giờ doanh nghiệp Việt Nam phải tận dụng mọi cơ hội, trong đó phải chủ động cập nhật thông tin về quá trình đàm phán FTA, các quy định về xuất xứ hàng hóa… nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như tuân thủ các quy định tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật, hướng đến mở rộng các cơ hội thâm nhập vào thị trường này.
Được biết, vòng đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) cuối cùng giữa Việt Nam-EU sẽ diễn ra trong hai ngày 25-26/9, tại Đà Nẵng (Việt Nam) và có thể cuối năm 2014 sẽ hoàn thành việc ký kết hiệp định này./.
Theo Toquoc