|
Hơn 75% phi công hãng hàng không Air France (Pháp) đang trong cuộc đình công lớn nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Họ phản đối kế hoạch mở rộng nhánh hàng không giá rẻ Transavia của hãng này ra châu Âu.
80% chuyến bay bị hủy
Cuộc đình công này do Nghiệp đoàn Phi công Quốc gia Pháp (SNPL) tổ chức, bắt đầu từ ngày 15/9, đến nay, chưa có dấu hiệu kết thúc. Cuối tuần trước, hơn 200 phi công đã tiến về trụ sở Quốc hội Pháp tại Thủ đô Paris.
"Cần phải chấm dứt cuộc đình công vì không có lý do gì để thực hiện cuộc biểu tình này. Đây là hành động không thể chấp nhận được đối với hành khách, với công ty Air France, với nền kinh tế Pháp và làm xấu hình ảnh nước Pháp”.
Ông Manuel Valls
Thủ tướng Pháp |
Cuộc đình công khiến 80% số chuyến bay của Air France (AF) không thể cất cánh, gây thiệt hại lên tới 25,5 triệu USD/ngày. Cổ phiếu của công ty Air France-KLM trượt giá 1,7% trong ngày 26/9, nâng tổng số giá trị cổ phiếu sụt giảm kể từ khi bắt đầu cuộc biểu tình lên 12%. Sự việc này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới các hãng hàng không có hợp tác với Air France, trong đó có Vietnam Airlines.
Ngay từ những ngày đầu diễn ra cuộc đình công, AF đã cảnh báo trước với hành khách về tình hình không thể bay theo đúng lịch trình, cho phép hành khách hủy/đổi vé miễn phí. Anh Sakhit Dhamija, khách du lịch Ấn Độ cho biết, dự định sẽ rời Pháp tới Delhi (Ấn Độ) lúc 9h35. Cuối cùng, anh phải lùi đến chiều mới có chuyến bay.
Dự kiến, một cuộc tuần hành chống biểu tình được sự ủng hộ của ban lãnh đạo Air France sẽ được thực hiện vào ngày 1/10 tại sân bay chính của Thủ đô Paris - Charles de Gaulle.
Phản đối AF mở chi nhánh
Biểu tình nổ ra sau khi AF thông báo kế hoạch phát triển nhánh hàng không giá rẻ Transavia của hãng này ra châu Âu để khai thác các tuyến bay ngắn trong khu vực châu Âu và Địa Trung Hải. Dự án này cần mức đầu tư 1,3 tỷ USD trong vòng 5 năm để mua thêm 50 máy bay mới và thuê thêm 250 phi công cho đến năm 2017.
AF hy vọng, việc mở rộng Transavia sẽ giúp hãng cạnh tranh trên các tuyến bay ngắn với các hãng hàng không như EasyJet, Ryanair… đang ăn nên làm ra và phát triển cực nhanh nhờ giá rẻ. Tuy nhiên, vì phát triển theo xu hướng giá rẻ nên phi công làm việc cho Transavia không được trả lương theo mức 321.000 USD/năm và đãi ngộ cao cấp như các phi công làm việc cho AF.
Giám đốc điều hành Air France-KLM - ông Alexandre de Juniac khẳng định: “Nếu kế hoạch Transavia châu Âu bị xóa bỏ, đó sẽ là cái chết trong tâm hồn tôi”. Dù vậy, trước sức ép của cuộc biểu tình, cuối tuần qua, AF chấp nhận nhượng bộ, loại bỏ kế hoạch Transavia châu Âu, thay vào đó là kế hoạch Transavia Pháp (chỉ mở rộng trong phạm vi nước Pháp), ước tính sẽ tạo 1 nghìn việc làm trong nước. Tuy nhiên, ông Guillaume Schmid- Đại diện SNPL cho biết: “Đây là điều kiện cần, không phải điều kiện đủ” để chấm dứt đình công. SNPL yêu cầu một nhà hòa giải độc lập trong các cuộc đàm phán giữa nghiệp đoàn và ban lãnh đạo AF. |
Đồng thời, nếu mở rộng Transavia ra thị trường nước ngoài, AF sẽ tận dụng các điều kiện lao động giá rẻ hơn như tại Bồ Đào Nha, do đó phi công của Pháp có thể bị cắt giảm.
Theo một số nhà phân tích, cuộc biểu tình này ban đầu có ý nghĩa đòi lại “quyền bình đẳng, quyền được trả lương công bằng” cho tất cả các phi công ở bất cứ hãng hàng không nào họ phục vụ. Tuy nhiên, sau đó, quan điểm này đã bị gạt sang một bên khi Nghiệp đoàn Phi công Pháp tập trung vào mục đích biểu tình phản đối kế hoạch phát triển nhánh hàng không giá rẻ Transavia sang châu Âu.
Với mức lương và đãi ngộ cao ngất, phi công được coi là lực lượng lao động được ưu tiên nhất tại Pháp, ngoài ra, nếu kế hoạch mở rộng hãng Transavia được thực thi, không ai trong số họ bị bắt buộc phải chuyển công tác sang hãng hàng không giá rẻ. Tuy nhiên, ông Bruno Benoist-Lucy, phi công 28 năm làm việc tại AF khẳng định, cuộc biểu tình này không phải vì tiền. Chúng tôi biểu tình vì không muốn khối lượng công việc của Pháp bị chuyển ra nước ngoài.
Ngày 26/9, Vietnam Airlines (VNA) ra thông báo, do phi công hãng hàng không Air France đình công từ ngày 15/9 đến ngày 30/9/2014, các chuyến bay hợp tác liên danh (codeshare) giữa VNA và AF trên đường bay từ Hà Nội/TP Hồ Chí Minh đi Paris (Pháp) cũng như các chuyến bay nối chuyến từ Paris đi châu Âu do AF khai thác bị ảnh hưởng. Tổng số hành khách phải hủy/đổi chuyến trên hai đường bay này là hơn 1 nghìn người, ngoài ra còn nhiều hành khách khác nối chuyến trên các đường bay từ Paris đi châu Âu cũng bị ảnh hưởng. |
Theo Giao thông vận tải.
|