Từ đầu năm tới nay, trong khi xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc và EU cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ thì giá trị xuất khẩu sang Nhật Bản sụt giảm do các hàng rào kỹ thuật và sang Nga, Australia thiếu ổn định.
Tăng giá trị xuất khẩu tới Hàn Quốc, EU
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), từ đầu năm tới nay, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang thị trường lớn nhất Hàn Quốc tăng trưởng ổn định. Tính đến hết tháng 8, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 107,2 triệu USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ xuất khẩu sang thị trường này đã chiếm gần 35% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này. Chỉ đứng sau Trung Quốc, Việt Nam hiện đang là nguồn cung lớn thứ 2 của Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu gia tăng từ 8-30%/tháng.
Đáng lưu ý, các doanh nghiệp Việt Nam hiện không đủ nguồn cung bạch tuộc cho thị trường Hàn Quốc và đang tiếc hơn là giá nhập khẩu trung bình tại thị trường này đang dao động ở mức 3,68 - 4,15 USD/kg trong khi giá nhập khẩu từ Việt Nam đạt mức 534 - 655 USD/kg, cao hơn từ 0,5-1,5 USD/kg so với các DN Trung Quốc. 8 tháng đầu năm nay, Hàn Quốc cũng tăng từ 9-11% giá trị mặt hàng bạch tuộc.
Dự báo, từ nay tới cuối năm, nhu cầu nhập khẩu bạch tuộc của Hàn Quốc tiếp tục tăng từ 5-20% so với cùng kỳ năm trước. Nếu muốn đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này sang Hàn Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động, đáp ứng tốt hơn các đơn hàng và tăng sức mạnh cạnh tranh với các nguồn cung dồi dào khác.
Về phía EU, tính đến hết tháng 8/2014, giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc sang thị trường này đạt 52,7 triệu USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 2 thị trường nhập khẩu lớn là Italy và Tây Ban Nha đang có chiều hướng tích cực và khả quan. Giá trị xuất khẩu sang Italy tăng 4,4%, sang Tây Ban Nha tăng “ngạc nhiên” tới 128,7% so với cùng kỳ năm trước. Một là thị trường tiêu thụ lớn, một là thị trường nhập khẩu tiềm năng và dự báo, giá trị xuất khẩu sang 2 thị trường này còn khả quan hơn nữa.
Thiếu ổn định tại Nhật Bản, Nga, Australia
Theo Vasep, nếu 8 tháng đầu năm trước, giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc và Nhật Bản tương đương. Nhiều doanh nghiệp lạc quan dự báo, có thể trong năm 2014, thị trường Nhật Bản sẽ vượt Hàn Quốc để trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của mực, bạch tuộc Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2013, hàng rào kỹ thuật và thương mại tại thị trường này càng ngày càng trở nên khắt khe hơn khiến cho giá trị xuất khẩu sang Nhật Bản nhiều tháng giảm sút. Từ chiếm tỷ lệ 28,4% trong 8 tháng đầu năm 2013, đã giảm xuống còn 23,5% trong 8 tháng đầu năm nay.
Việt Nam hiện đang là nguồn cung lớn thứ 4 tại thị trường Nhật Bản và chiếm 14% tổng giá trị nhập khẩu mực, bạch tuộc của nước này. Các doanh nghiệp Việt Nam đang bị cạnh tranh mạnh mẽ với các nguồn cung lớn như: Trung Quốc, Morocco, Thái Lan và Mauritania.
Bên cạnh đó, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang thị trường Nga và Australia không như mong chờ. Giá thấp, không ổn định và nhu cầu tiêu thụ không cao khiến cho giá trị xuất khẩu sang 2 thị trường này giảm lần lượt 30,2% và 2% so với cùng kỳ năm 2013.
Theo Vasep, nếu không có những chính sách, kế hoạch gia tăng nhập khẩu nguyên liệu, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm thì các doanh nghiệp xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam khó có thể tăng giá trị xuất khẩu sang các thị trường này.
Theo Báo Công Thương Điện Tử